Để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và hoặc được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì các hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là gì?
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là tài liệu dùng để ghi nhận thông tin về các khoản chi để mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật quản lý thuế nhưng được thanh toán thông qua các phương tiện khác mà không phải là tiền mặt, chẳng hạn séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng.
Căn cứ khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC và Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là căn cứ để khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể:
– Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào: Một trong nhưng căn cứ để khấu trừ là phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 20 triệu đồng trở lên.
Trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới 20 triệu đồng theo giá đã có thuế giá trị gia tăng và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Lưu ý: Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Nhà cung cấp là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp khai và nộp thuế giá trị gia tăng.
Nếu người nộp thuế là cơ sở kinh doanh có các cửa hàng là các đơn vị phụ thuộc sử dụng chung mã số thuế và mẫu hóa đơn của cơ sở kinh doanh, trên hoá đơn có tiêu thức “Cửa hàng số” để phân biệt các cửa hàng của cơ sở kinh doanh và có đóng dấu treo của từng cửa hàng thì mỗi cửa hàng là một nhà cung cấp.
– Xác định các khoản chi được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp: Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Các loại chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt
Căn cứ khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC và Thông tư 173/2016/TT-BTC, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán dùng tiền mặt khác, cụ thể:
* Chứng từ thanh toán qua ngân hàng
Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm các loại như:
– Séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử).
– Các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).
* Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác
Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác là một trong các hình thức thanh toán dưới đây:
(1) Hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng.
Phương thức này cần thỏa mãn điều kiện sau:
– Phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng.
– Phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng.
Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba thì phải có biên bản bù trừ công nợ của ba bên làm căn cứ khấu trừ thuế.
(2) Hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba.
Phương thức này cần thỏa mãn điều kiện sau:
– Phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng.
– Phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó
– Có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ.
(3) Hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định).
Cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản.
– Bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
(4) Hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán qua ngân hàng vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Trường hợp này cũng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: