Bên cạnh trường hợp kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp theo kế hoạch, chuyên đề thì cơ quan thuế còn tiến hành kiểm tra thuế đột xuất không có kế hoạch. Theo đó, việc kiểm tra thuế đột xuất được thực hiện trong 06 trường hợp sau:
- 6 trường hợp kiểm tra thuế đột xuất không có kế hoạch
Căn cứ tiểu mục 1.3 Mục III Phần II Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023 quy định các trường hợp kiểm tra đột xuất không phải lập kế hoạch bao gồm:
1- Kiểm tra người nộp thuế theo đơn tố cáo;
2- Kiểm tra người nộp thuế theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan thuế hoặc theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên;
3- Kiểm tra theo đề nghị của người nộp thuế (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý);
4- Kiểm tra trước hoàn thuế;
5- Kiểm tra theo đề xuất sau khi kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế;
6- Các trường hợp kiểm tra đột xuất khác.
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên, cơ quan thuế có thể thực hiện kiểm tra đột xuất mà không phải lập kế hoạch trước.
Lưu ý:
– Nếu kế hoạch kiểm tra của cơ quan thuế cấp dưới có sự trùng lặp về đối tượng kiểm tra với kế hoạch kiểm tra, thanh tra về thuế của cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch của Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế cấp trên.
– Đối với các trường hợp trùng lặp về đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra của cơ quan thuế với các cơ quan khác của Nhà nước thì Thủ trưởng cơ quan thuế phối hợp với thủ trưởng cơ quan nhà nước có sự trùng lặp để xử lý và báo cáo cơ quan phê duyệt kế hoạch khi cần thiết.
- Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế đột xuất tại doanh nghiệp
Theo tiểu mục 2.2 Mục III Phần II Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 970/QĐ-TCT trình tự, thủ tục kiểm tra thuế đột xuất tại trụ sở của người nộp thuế tiến hành như sau:
Bước 1: Ban hành Quyết định kiểm tra thuế
– Tất cả các trường hợp kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đều phải ban hành Quyết định kiểm tra:
Nội dung kiểm tra: Đối với trường hợp kiểm tra đột xuất đã xác định được nội dung cần kiểm tra thì thực hiện theo nội dung đã được xác định. Nếu chưa xác định được nội dung kiểm tra thì công chức thuế được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế phải phân tích rủi ro để xác định nội dung cần kiểm tra.
Thời kỳ kiểm tra: Là thời kỳ liên quan đến các nội dung cần kiểm tra.
Ngoài ra, khi trình ban hành Quyết định kiểm tra, công chức thuế được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế có thể thu thập dữ liệu trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế, phân tích rủi ro từ phân tích nghiệp vụ, thông tin từ thực tế công tác quản lý thuế, thu thập thông tin từ bên thứ 3 để xác định thêm nội dung, phạm vi kiểm tra thuế (nếu có).
– Quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế phải được gửi cho người nộp thuế chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định.
Trường hợp cơ quan thuế hoặc bộ phận không trực tiếp quản lý người nộp thuế thực hiện kiểm tra thì gửi 01 bản cho cơ quan thuế hoặc bộ phận trực tiếp quản lý người nộp thuế làm đầu mối chuyển cho các bộ phận có liên quan.
Bước 2: Thực hiện kiểm tra thuế tại trụ sở
Việc kiểm tra thuế tại trụ sở sẽ bao gồm 02 phần việc là công bố Quyết định kiểm tra và thực hiện kiểm tra thuế. Cụ thể xem tại: Quy trình kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế mới nhất
Bước 3: Lập Biên bản kiểm tra thuế
Căn cứ số liệu và tình hình được phản ánh trong biên bản kiểm tra từng phần việc mà trưởng đoàn kiểm tra đã giao cho từng thành viên trong đoàn thực hiện để lập Biên bản kiểm tra thuế theo mẫu số 10/QTKT ban hành kèm theo Quy trình này.
Trong đó, kết quả kiểm tra tại biên bản kiểm tra phải được thống nhất trong đoàn kiểm tra trước khi công bố công khai với người nộp thuế.
Nếu kết quả tại biên bản kiểm tra không thống nhất với số liệu và tình hình của biên bản xác nhận số liệu của thành viên đoàn kiểm tra thì Trưởng đoàn kiểm tra có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung biên bản kiểm tra (thành viên trong đoàn kiểm tra có quyền bảo lưu số liệu theo biên bản từng phần việc được giao).
Bước 4: Xử lý kết quả kiểm tra thuế tại trụ sở
– Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản kiểm tra thuế, Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo Lãnh đạo bộ phận kiểm tra thuế để trình Thủ trưởng cơ quan thuế về kết quả kiểm tra thuế (mẫu số 11/QTKT ban hành kèm theo quy trình này) và dự thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (mẫu số MQĐ02 Nghị định 118/2021/NĐ-CP) hoặc Kết luận kiểm tra thuế (mẫu số 15/KTT Thông tư 80/2021/TT-BTC).
– Trường hợp biên bản kiểm tra thuế có ghi nhận nội dung vướng mắc chờ xin ý kiến, thì Báo cáo kết quả kiểm tra thuế và Kết luận kiểm tra thuế (nếu có) phải nêu rõ chưa xử lý những nội dung còn vướng mắc. Đối với các nội dung còn vướng mắc, sau khi nhận được ý kiến tham gia thì tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp kết quả kiểm tra dẫn đến phải:
Xử lý truy thu về thuế; xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản kiểm tra (đối với trường hợp người nộp thuế không có yêu cầu giải trình theo Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc ghi rõ ý kiến trong biên bản kiểm tra về việc không thực hiện quyền giải trình); hoặc
Người nộp thuế có yêu cầu giải trình trong thời hạn theo Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc phải xác minh các tình tiết vi phạm hành chính thì trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ký biên bản kiểm tra; hoặc
Kết quả kiểm tra có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký biên bản kiểm tra.
⇒ Thủ trưởng cơ quan thuế phải ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo mẫu số MQĐ02 ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP.
– Trường hợp không phải xử lý truy thu về thuế; không phải xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản kiểm tra, Thủ trưởng cơ quan thuế phải ký kết luận kiểm tra thuế theo mẫu số 15/KTT Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Bước 5: Giám sát kết quả sau kiểm tra
Bộ phận kiểm tra thuế có trách nhiệm phối hợp với bộ phận Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nộp các khoản thuế truy thu, truy hoàn, tiền phạt theo kết quả kiểm tra ghi trên Quyết định xử phạt về thuế vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: