Chiết khấu và khuyến mại đều là hai hình thức quan trọng trong xúc tiến thương mại. Hiện nay, vẫn có sự hiểu lầm về cách phân biệt hai khái niệm này, không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp mà còn cả trong cách nhìn của người tiêu dùng. Dưới đây sẽ trình bày chi tiết về sự khác biệt giữa hai hình thức này.


1. Quy định chung

a) Chiết khấu thương mại _ Các khoản giảm trừ doanh thu:

Tài khoản 521 _ Các khoản giảm trừ doanh thu tại Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 24/12/2014 của Bộ Tài Chính quy định:

Chiết khấu thương mại là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua với số lượng lớn.

Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do sản phẩm, hàng hoá kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách theo quy định trong hợp đồng kinh tế.

Đối với hàng bán bị trả lại, tài khoản này dùng để phản ánh giá trị của số sản phẩm, hàng hóa bị khách hàng trả lại do các nguyên nhân: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách…

Căn cứ khoản 1 điều 81 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn nguyên tắc các khoản giảm trừ doanh thu quy định:

“…b) Việc điều chỉnh giảm doanh thu được thực hiện như sau:

– Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh…

b) Chương trình khuyến mại:

Khuyến mại được giải thích tại khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005 như sau:

Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.”

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 23 Thông tư 200:

Trường hợp xuất hàng tồn kho để làm hàng khuyến mại, quảng cáo và không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác thì kế toán ghi nhận trị giá hàng tồn kho vào chi phí bán hàng (chi phí hàng khuyến mại, quảng cáo).

Trường hợp xuất hàng tồn kho để làm hàng khuyến mại, quảng cáo và có kèm điều kiện khác thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn (do bản chất là giảm giá hàng bán).

2. Mục đích và phạm vi áp dụng

Chiết khấu thương mại: Chiết khấu thương mại là khoản giá trị mà người bán trích cho người mua khi người mua sử dụng dịch vụ hoặc mua hàng hóa với số lượng nhất định nằm trong chính sách bán hàng của người bán. Đây là một phương thức dài hạn, tạo lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng trong việc duy trì mối quan hệ kinh doanh ổn định.

Khuyến mại: Là cách thức tạo ra sự thúc đẩy trong việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trong thời gian ngắn. Nó tập trung vào việc tạo lợi ích ngay lập tức cho khách hàng và thường được thực hiện thông qua các chương trình khuyến mãi có thời hạn cụ thể.

3. Hình thức thể hiện:

Chiết khấu thương mại: Được thể hiện thông qua việc áp dụng giảm giá vào giá bán trong hợp đồng thương mại sau khi đã đạt được thỏa thuận giữa hai bên. Chiết khấu có thể không công khai vì bản chất là mối quan hệ giữa hai hoặc các bên trong quan hệ mua bán.

Khuyến mại: Có nhiều cách thể hiện khuyến mại, như việc tặng mẫu hàng hoá, dịch vụ để khách hàng trải nghiệm, giảm giá bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ trong thời gian cụ thể, tặng quà kèm theo sản phẩm, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật hoặc giải trí để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Các chương trình giảm giá bắt buộc phải công khai vì đối tượng hướng đến là tất cả khách hàng chứ không đơn thuần chỉ là một vài chủ thể nhất định trong quan hệ mua bán.

4. Sự cho phép của cơ quan quản lý

Chiết khấu thương mại: Đây là một thoả thuận giữa hai bên và không cần phải đăng ký với cơ quan quản lý.

Khuyến mại: Để đảm bảo tính minh bạch và công khai, việc tổ chức khuyến mại cần thông báo và đăng ký với cơ quan quản lý, như Sở Công Thương tại địa phương mà doanh nghiệp hoạt động.

5. Tính thuế và giá tính thuế

Chiết khấu thương mại: Giá tính thuế sẽ được tính dựa trên giá đã được giảm sau chiết khấu. (Khoản 5 và Khoản 22, Điều 7, Thông tư 219/2013/TT-BTC)

Khuyến mại: Trong trường hợp khuyến mại được đăng ký với SCT, giá tính thuế sẽ bằng 0.

Đối với các hàng hóa dùng cho chương trình khuyến mại nhưng chưa được đăng ký theo quy định của pháp luật về thương mại thì Công ty phải thực hiện lập hóa đơn và kê khai tính thuế như hàng hóa biếu, tặng, cho, hàng tiêu dùng nội bộ.

(Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC)

6. Thời gian duy trì và đối tượng khách hàng

Chiết khấu thương mại: Hợp đồng chiết khấu thương mại có thể kéo dài một thời gian dài và thường áp dụng cho khách hàng mua với số lượng lớn.

Khuyến mại: Thường được thực hiện trong khoảng thời gian ngắn và có thể áp dụng cho cả khách hàng mua lẻ và mua sỉ.

Như vậy, sự phân biệt giữa chiết khấu thương mại và khuyến mại là rất quan trọng trong xúc tiến thương mại và làm công tác kế toán. Điều cần nhấn mạnh là sự phân biệt giữa chiết khấu thương mại và chương trình khuyến mại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại và quản lý tài chính của doanh nghiệp: Chương trình khuyến mại thể hiện sự chủ động của nhà bán hàng trong công tác tìm kiếm khách hàng, còn Chiết khấu thương mại hay các khoản giảm trừ doanh thu thể hiện sự bị động trong công tác hoạch định chính sách bán hàng của doanh nghiệp.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply