Thuế là nguồn thu chủ yếu và quan trọng nhất trong ngân sách nhà nước. Ấn định thuế là một trong những phương pháp đặc trưng mà cơ quan thuế tiến hành áp dụng đối với một số chủ thể và trong một số trường hợp vi phạm nhất định để quản lý thuế một cách triệt để nhất.

  1. Ấn định thuế là gì?

Dựa trên quy định tại Luật Quản lý thuế, có thể hiểu: Ấn định thuế là hoạt động của cơ quan thuế trong việc xác định số tiền thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố, căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp khi người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp luật định. (Khoản 2, Điều 49).

Ấn định thuế phải được thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật về nguyên tắc ấn định thuế, các trường hợp ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế nhằm đảm bảo không xâm phạm đến quyền và lợi ích của người nộp thuế, đồng thời phải đảm bảo không thất thu thuế.

  1. Các trường hợp ấn định thuế

Căn cứ vào Điều 14 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, quy định về các trường hợp ấn định thuế như sau:

– Không đăng ký thuế theo quy định tại Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019.

– Không khai thuế hoặc kê khai thuế không đầy đủ, trung thực, chính xác theo quy định tại Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019.

– Không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế hoặc đã bổ sung hồ sơ thuế nhưng không đầy đủ, trung thực, chính xác các căn cứ tính thuế để xác định số thuế phải nộp.

– Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế.

– Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định các yếu tố làm căn cứ tính thuế; xác định số tiền thuế phải nộp trong thời hạn quy định hoặc khi đã hết thời hạn kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.

– Không chấp hành quyết định kiểm tra thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định, trừ trường hợp được hoãn thời gian kiểm tra theo quy định.

– Không chấp hành quyết định thanh tra thuế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký quyết định, trừ trường hợp được hoãn thời gian thanh tra theo quy định.

– Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường.

– Mua, trao đổi hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn mà hàng hóa, dịch vụ là có thật theo xác định của cơ quan có chức năng điều tra, thanh tra, kiểm tra và đã được kê khai doanh thu, chi phí tính thuế.

– Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế.

– Thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

– Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

  1. Căn cứ ấn định thuế?

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các căn cứ ấn định thuế cụ thể như sau:

* Đối với người nộp thuế bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp

– Tổ chức, cá nhân bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Qua kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế có căn cứ cho rằng người nộp thuế khai chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác các yếu tố làm cơ sở xác định số tiền thuế phải nộp, đã yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung nhưng người nộp thuế không khai bổ sung hoặc khai bổ sung không chính xác, trung thực theo yêu cầu của cơ quan thuế.

+ Qua kiểm tra sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp của người nộp thuế hoặc qua kiểm tra, đối chiếu, xác minh, sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thuế có cơ sở chứng minh người nộp thuế hạch toán không chính xác, không trung thực các yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.

+ Hạch toán giá bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với giá thực tế thanh toán làm giảm doanh thu tính thuế hoặc hạch toán giá mua hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh không theo giá thực tế thanh toán phù hợp với thị trường làm tăng chi phí, tăng thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.

+ Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế nhưng không xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế hoặc có xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế nhưng không tự tính được số tiền thuế phải nộp.

+Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 10, 11, 12 Điều 14 Nghị định này.

– Căn cứ ấn định thuế

+ Đối với người nộp thuế là tổ chức

Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; số tiền thuế phải nộp bình quân tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác để thực hiện ấn định theo từng yếu tố.

+ Đối với cá nhân chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản

Cơ quan thuế ấn định giá tính thuế trong trường hợp xác định được cá nhân kê khai, nộp thuế với giá tính thuế thấp hơn so với giá giao dịch thông thường trên thị trường. Giá tính thuế do cơ quan thuế ấn định phải đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thông thường trên thị trường nhưng không thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm xác định giá tính thuế.

– Trên cơ sở từng yếu tố bị ấn định, cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

* Đối với người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu theo quy định của pháp luật, như sau:

– Tổ chức nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 14 Nghị định này.

– Căn cứ ấn định thuế

Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; doanh thu tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác có cùng điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế để thực hiện ấn định doanh thu tính thuế.

– Trên cơ sở doanh thu đã ấn định, cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

  1. Ai có thẩm quyền ra quyết định ấn định thuế?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về nội dung này như sau:

Thẩm quyền, thủ tục, quyết định ấn định thuế

  1. Thẩm quyền ấn định thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế; Chi cục trưởng Chi cục Thuế có thẩm quyền ấn định thuế.

Theo đó, những người sau đây có thẩm quyền ấn định thuế gồm:

– Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

– Cục trưởng Cục Thuế

– Chi cục trưởng Chi cục Thuế

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply