Báo cáo tài chính gồm những gì? Báo cáo tài chính là một trong hồ sơ không thể thiếu trong các doanh nghiệp với mục đích thống kê lại tất cả các hoạt động kinh doanh và liên quan đến ngân sách của doanh nghiệp.

  1. Báo cáo tài chính gồm những gì?

Báo cáo tài chính gồm những gì? Theo Thông tư 200, báo cáo tài chính sẽ bao gồm:

1.1 Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán gồm 2 phần nguồn vốn và tài sản, liệt kê cụ thể thông tin về tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty vào một thời điểm (ngày), cuối tháng, cuối quý, cuối năm.

Cụ thể:

Phần tài sản: phản ánh toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp dưới tất cả hình thái và ở mọi giai đoạn của quá trình kinh doanh đến cuối kỳ hạch toán.

Phần nguồn vốn: phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản của doanh nghiệp vào thời điểm cuối kỳ kế toán.

1.2 Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả kinh doanh là loại báo cáo thể hiện các khoản doanh thu, thu nhập khác và chi phí của tổ chức, doanh nghiệp một cách tóm lược; thể hiện hoạt động của đơn vị trong 1 giai đoạn cụ thể như tháng/ quý/ năm. cho một kỳ cụ thể, như tháng, quý hay năm.

Đây là một báo cáo mang tính chất độc lập, cho thấy kết quả kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp. Cụ thể, bằng doanh thu và thu nhập trừ đi chi phí. Nếu phần chi phí nhỏ hơn doanh thu và thu nhập thì đơn vị đó sẽ lãi.

1.3 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Là loại báo cáo thể hiện việc doanh nghiệp, tổ chức đã tạo ra, sử dụng dòng tiền như thế nào trong 1 kỳ nhất định.

Cụ thể hơn, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy một cách cụ thể về hoạt động vào – ra của các dòng tiền trong một kỳ với ba loại hoạt động như sau:

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh
  • Dòng tiền từ các hoạt động đầu tư
  • Dòng tiền từ các hoạt động tài chính.

1.4 Thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh các báo cáo tài chính nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các báo cáo tài chính tổng hợp, các chính sách kế toán áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như Chế độ kế toán áp dụng, hình thức kế toán, nguyên tắc ghi nhận, phương pháp tính giá, hạch toán hàng tồn kho, phương pháp trích khấu hao tài sản cố định….

  1. Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm 2023 là khi nào?

Theo quy định tại Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC và Điều 80 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì thời hạn nộp báo cáo tài chính năm 2023 như sau:

2.1 Đối với doanh nghiệp nhà nước

– Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;

Ví dụ: Kỳ kế toán năm 2022 là ngày 01/01/2022-31/12/2022 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2022 là 30/1/2023 và 31/3/2023.

– Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

2.2 Đối với các loại doanh nghiệp khác

– Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;

Ví dụ: Kỳ kế toán năm 2022 là ngày 01/01/2022-31/12/2022 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2022 là 30/1/2023 (đối với DNTN và CTHD) và 31/3/2023.

– Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.

2.3 Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.

Ví dụ: Kỳ kế toán năm 2022 là ngày 01/01/2022-31/12/2022 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2022 là 31/3/2023.

  1. Chậm nộp báo cáo tài chính phạt bao nhiêu tiền?

Theo Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính như sâu:

“Điều 12. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;

b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;

b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;

c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;

d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;

đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật;

b) Cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán.

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Không công khai báo cáo tài chính theo quy định.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều này.”

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply