Thuế, hoá đơn, chứng từ là những tài liệu quan trọng nhằm thực hiện nghĩa vụ công dân với nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Ở một số trường hợp, việc thực hiện nghĩa vụ này có những sai sót gây ảnh hưởng và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta cùng tìm hiểu một số sai phạm về hóa đơn thường gặp nhé.
1. LẬP HÓA ĐƠN BÁN HÀNG HÓA, CUNG CẤP DỊCH VỤ KHÔNG ĐÚNG THỜI ĐIỂM THEO ĐIỀU 9 NGHỊ ĐỊNH 123/2020/NĐ-CP
– Không lập hóa đơn đối với bán hàng hóa tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
– Không lập hóa đơn khi thu tiền dịch vụ, hoặc dịch vụ hoàn thành, tùy thuộc vào thời điểm nào xảy ra trước.
– Lập hóa đơn khi dịch vụ hoàn thành theo số tiền thu tiền dịch vụ còn lại (không bao gồm tiền bảo hành chưa thanh toán).
– Lập hóa đơn tại thời điểm nhận tiền đối với bán hàng hóa chưa chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng.
– Gộp hóa đơn khi giao hàng nhiều lần trong ngày hoặc vào cuối ngày/cuối tháng không đúng quy định trừ những trường hợp cần thời gian đối soát.
– Lập hóa đơn trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ.
2. XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI LẬP HÓA ĐƠN KHÔNG ĐÚNG THỜI ĐIỂM
– Hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP); phạt cảnh cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ (Điểm a khoản 1 Điều 24 NĐ 125/2020/NĐ-CP).
– Hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế: phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi (Điểm a khoản 4 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
– Trường hợp hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn thì đồng thời bị xử phạt về hành vi khai sai theo Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
3. HÀNH VI SỬ DỤNG HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ KHÔNG HỢP PHÁP
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP và khoản 9 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp bao gồm: sử dụng hóa đơn, chứng từ giả, hóa đơn hết giá trị sử dụng, hóa đơn bị ngừng sử dụng theo quy định, hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng, hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký,…
4. HÀNH VI SỬ DỤNG HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ KHÔNG HỢP PHÁP
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP và khoản 9 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ bao gồm:
– Mua hàng hóa hoặc dịch vụ mà không có hóa đơn hợp pháp ban đầu (hàng hóa hoặc dịch vụ này thậm chí không tồn tại), sau đó mua hóa đơn không kèm theo hàng hóa hoặc dịch vụ (hàng hóa hoặc dịch vụ không thật) để hợp thức hóa giao dịch.
– Mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ tổ chức hoặc cá nhân (hàng hóa hoặc dịch vụ này là có thật), nhưng nhận hóa đơn từ một doanh nghiệp khác (hóa đơn khống).
– Mua hóa đơn (hàng hóa dịch vụ không có thật) để khấu trừ thuế GTGT khống, khai khống chi phí.
– Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;
– …
5. MỨC PHẠT TIỀN ĐỐI VỚI HÀNH VI SỬ DỤNG HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ KHÔNG HỢP PHÁP VÀ SỬ DỤNG KHÔNG HỢP PHÁP HÓA ĐƠN (Điều 28 Nghị định 125/NĐ-CP)
Hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp xử phạt về hành vi khai sai hoặc trốn thuế hoặc xử phạt VPHC về hóa đơn như sau:
“Điều 16. Xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn
1. Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:
…
đ) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.”
“Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế
1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;”
“Điều 28. Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.”
6. VI PHẠM ĐỐI VỚI HÀNG HÓA, DỊCH VỤ KHUYẾN MẠI – BIẾU TẶNG
– Không lập hóa đơn hàng hóa, dịch vụ biếu, tặng, khuyến mại.
– Nhầm lẫn giữa biếu tặng & khuyến mại.
– Tính thuế GTGT đầu ra vào chi phí được trừ.
– Không khai khấu trừ, khai nộp thuế thay theo quy định.
– Không đăng ký/ thông báo với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
– Thực hiện chương trình khuyến mại ngoài thời gian đăng ký/ thông báo
– Không lập hóa đơn đối với hàng khuyến mại.
– Lập hóa đơn xác định giá tính thuế đối với hàng khuyến mại không đúng quy định.
– Thực hiện chương trình khuyến mại có đăng ký/ thông báo với CQNN có thẩm quyền, nhưng thực chất chỉ khuyến mại cho các Công ty có giao dịch liên kết hoặc với các bên có liên quan.
=> Trường hợp không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu, hàng hóa dùng cho việc cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, cũng sẽ bị xử phạt về hành vi khai sai theo Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
7. VẤN ĐỀ LẬP HÓA ĐƠN LÙI NGÀY
Về vấn đề liên quan đến việc lập hóa đơn và thay đổi ngày trên hóa đơn, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Văn bản số 6966 ngày 17/6/2022. Theo đó, nếu doanh nghiệp thực hiện hành vi lập hóa đơn lùi ngày, hành vi lập hóa đơn lùi ngày được xem xét là vi phạm pháp luật kế toán, và không thuộc lĩnh vực vi phạm pháp luật về hóa đơn. Theo quy định, vi phạm này có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt với mức phạt từ 10 triệu đến 30 triệu đồng, đối với các hành vi giả mạo hoặc khai man chứng từ kế toán, theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 7 của Nghị định 185/2004/NĐ-CP, đã được sửa đổi tại Khoản 3 Điều 1 của Nghị định 39/2011/NĐ-CP.
8. TRƯỜNG HỢP BÁN HÀNG CHO ĐỔI CHO TRẢ LẠI
Trường hợp bán hàng với điều kiện cho phép đổi hoặc trả hàng, thường hay nhầm lẫn giữa các quy định kế toán và quy định về hóa đơn. Theo quy định kế toán, việc ghi nhận doanh thu xảy ra khi điều kiện cho việc đổi hoặc trả hàng không còn hiệu lực. Tuy nhiên, quy định về hóa đơn yêu cầu phải phát hành hóa đơn ngay khi bàn giao hàng hóa cho người mua.
Ví dụ: nếu một giao dịch bán hàng được thực hiện với điều kiện đổi hoặc trả hàng trong vòng 5 ngày mà không yêu cầu lý do cụ thể, doanh thu sẽ được ghi nhận vào tài khoản 511 vào ngày thứ năm sau khi giao dịch được thực hiện, nhưng hóa đơn buộc xuất ngay khi giao hàng hóa cho người mua.
=> Hành vi nhầm lẫn này sẽ dẫn đến lỗi xuất hóa đơn sai thời điểm
9. XỬ PHẠT KHÁC ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM VỀ HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ:
– Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng, theo quy định tại Điểm 2a của Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
– Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định, trừ hành vi quy định tại điểm b của Khoản 2 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu, hàng hóa dùng cho việc cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động) sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, đối với hành vi bán hàng không lập hóa đơn, nếu phát sinh số tiền thuế phải nộp, cơ quan thuế có thể truy thu và áp dụng mức phạt 20%.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: