Việc xác định chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp rất quan trọng vì giúp giảm thuế phải nộp.
Hiện nay, pháp luật không định nghĩa chi phí hợp lý là gì nhưng có đưa ra tiêu chí xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, chi phí hợp lý được hiểu là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều kiện trở thành chi phí hợp lý
Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định trừ các khoản chi không được trừ nêu tại khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
Điều kiện 1: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều kiện 2: Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật.
Điều kiện 3: Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần mà có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định pháp luật thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, một số khoản chi phí sẽ không được tính vào chi phí hợp lý được quy định cụ thể tại khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC. Trong đó, chi phí khấu hao TSCĐ cũng được quy định cụ thể về một số trường hợp không được trừ. Cùng tìm hiểu tình huống sau để biết thêm một số thông tin hữu ích nhé
Chi tiết câu hỏi
Công ty tôi kinh doanh các loại bao bì ngành giấy, các tài sản cố định được trích khấu hao theo phương pháp đường thẳng, đúng khung thời gian trích khấu hao (từ 5 đến 15 năm) ban hành kèm theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính. Năm 2020, công ty tôi thực hiện việc thay đổi thời gian khấu hao của một số tài sản cố định theo Điều 10 Thông tư số 45/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn cách tính về chi phí khấu hao vượt mức của tài sản cố định khi công ty tôi thay đổi giảm thời gian trích khấu hao. Chi phí khấu hao sau thay đổi của tài sản cố định khi nào được xem là chi phí hợp lý khi xác định chi phí tính thuế?
Trả lời
Cục Thuế tỉnh Quảng Nam trả lời vấn đề này như sau:
Tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc trích khấu hao tài sản cố định:
“2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
… 2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:
… d) Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định”.
Tại Phụ lục 1 – Khung thời gian trích khấu hao tài sản cố định (ban hành kèm theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính) quy định thời gian trích khấu hao tối thiểu và thời gian khấu hao tối đa đối với từng nhóm tài sản cố định.
Tại Khoản 1 Mục I Phụ lục 2 – Phương pháp trích khấu hao tài sản cố định (ban hành kèm theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính) quy định:
“1. Nội dung của phương pháp:
Tài sản cố định trong doanh nghiệp được trích khấu hao theo phương pháp khấu hao đường thẳng như sau:
– Xác định mức trích khấu hao trung bình hàng năm cho tài sản cố định theo công thức dưới đây:
Mức trích khấu hao trung bình hàng năm của tài sản cố định = (bằng) Nguyên giá của tài sản cố định : (chia) Thời gian trích khấu hao”.
Như vậy, mức trích khấu hao trung bình tối đa hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định : Thời gian trích khấu hao tối thiểu của khung. Mức trích khấu hao trung bình tối thiểu hàng năm của tài sản cố định = Nguyên giá của tài sản cố định : Thời gian trích khấu hao tối đa của khung.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp công ty thay đổi thời gian trích khấu hao tài sản cố định thì chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt mức tối thiểu hoặc tối đa theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.
Nguồn: Chinhphu.vn
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: