Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động làm việc trong nhiều ca liên tục, có doanh nghiệp thì cung cấp suất ăn cho công nhân, một số lại thực hiện chi trả thêm khoản trợ cấp ăn ca, ăn trưa. Vậy mức chi cho tiền ăn ca tại doanh nghiệp là bao nhiêu?
- Tiền ăn ca là gì?
Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn không đưa ra khái niệm cụ thể về tiền ăn ca là gì mà khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH chỉ liệt kê tiền ăn giữa ca vào một trong các khoản chế độ và phúc lợi khác:
Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Thực tế, có thể hiểu đơn giản, tiền ăn ca là một trong những khoản phụ cấp mà doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động để phụ thêm chi phí nhằm cải thiện bữa ăn giữa ca của người lao động trong thời gian làm việc.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện chế độ phụ cấp ăn ca. Thậm chí có những nơi, người lao động còn phải tự chuẩn bị bữa ăn giữa ca cho mình để đảm bảo sức khỏe để làm việc.
Ngay cả khi doanh nghiệp có thực hiện chế độ ăn ca thì cũng không phải mọi người lao động đều được hưởng khoản phụ cấp này. Thực tế, doanh nghiệp thường chỉ trả phụ cấp ăn ca cho những người lao động làm trọn thời gian (cả ca sáng và ca chiều) hoặc làm ca đêm mới.
Đồng thời, tùy vào điều kiện của doanh nghiệp mà do doanh nghiệp sẽ tự tổ chức bữa ăn ca hoặc phát tiền để người lao động chủ động chuẩn bị cho bữa ăn tăng cường cho mình.
- Mức phụ cấp tiền ăn ca là bao nhiêu?
Pháp luật không quy định cụ thể mức chung đối với tiền ăn ca của người lao động mà để cho doanh nghiệp tự quyết định dựa trên sự cân đối về khả năng tài chính và điều kiện làm việc của người lao động.
Tuy nhiên, do mức chi tiền ăn ca có ảnh hưởng đến việc đóng thuế thu nhập cá nhân của người lao động cho nên doanh nghiệp thường chỉ áp dụng mức giới hạn để người lao động không bị tính thuế thu nhập cá nhân.
Theo điểm g.5 khoản 1 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động sẽ không bị tính thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa mà doanh nghiệp chi trả thay cho việc tổ chức bữa ăn.
Khoản phụ cấp này không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân của người lao động.
Theo hướng dẫn về tiền ăn giữa ca của người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH thì mức chi bữa ăn giữa ca cho người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.
Chính vì vậy, trên thực tế, nếu không cung cấp suất ăn giữa ca cho người lao động, doanh nghiệp thường chỉ giới hạn mức tiền ăn ca tối đa là 730.000 đồng/tháng.
- Tiền ăn ca của người lao động có phải đóng bảo hiểm?
Căn cứ khoản 36 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động sẽ không bao gồm các chế độ và phúc lợi sau đây:
– Tiền thưởng có được dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động;
– Tiền thưởng sáng kiến;
– Tiền ăn giữa ca;
– Các khoản hỗ trợ: Xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi thân nhân chết, người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp khi hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
– Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Có thể thấy, tiền ăn giữa ca sẽ không bị tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người lao động được nhận đầy đủ, toàn bộ số tiền ăn ca mà không bị khấu trừ để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
- Tiền ăn ca có bị tính thuế thu nhập cá nhân không?
Hiện nay, các doanh nghiệp thường tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động theo các hình thức như: trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn hoặc chi tiền để người lao động tự chuẩn bị bữa ăn.
Theo điểm g.5 khoản 1 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, tiền ăn ca của người lao động sẽ không bị tính thuế thu nhập cá nhân trong các trường hợp sau:
– Doanh nghiệp tổ chức bữa ăn ca cho người lao động.
– Doanh nghiệp không tổ chức bữa ăn ca cho người lao động mà chi tiền cho người lao động với mức chi tối đa 730.000 đồng/tháng.
Người lao động sẽ bị tính thuế thu nhập cá nhân nếu số tiền ăn ca nhận được vượt quá 730.000 đồng/tháng. Thuế thu nhập cá nhân chỉ bị tính cho phần tiền ăn ca vượt quá 730.000 đồng/tháng.
Ví dụ: Tiền ăn ca người lao động được nhận là 900.000 đồng/tháng thì trong đó 730.000 đồng không bị tính thuế thu nhập cá nhân, còn 170.000 đồng còn lại sẽ được cộng vào tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công để tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
- Phụ cấp ăn trưa có được tính chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN?
Phụ cấp ăn trưa được tính chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính và Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính:
Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (TNDN) như sau
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
Trừ các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nêu tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.”.
Căn cứ Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính:
“b) Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.”.
Như vậy:
Trước tiên, để tiền ăn trưa, ăn giữa ca được đưa vào chi phí được trừ của doanh nghiệp thì các khoản chi này phải được ghi cụ thể về điều kiện hưởng, mức hưởng tại một trong các hồ sơ như:
- Hợp đồng lao động;
- Thỏa ước lao động tập thể;
- Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn;
- Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty
Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần phải cung cấp thêm các hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC như: phiếu chi, bảng chấm suất ăn ca…
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: