Đánh giá lại tài sản cố định (bao gồm tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình) là việc mà doanh nghiệp thực hiện để ghi nhận các khoản chênh lệch tăng, giảm về giá trị tài sản cố định sau đánh giá lại. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về việc đánh giá lại tài sản cố định tại doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện đúng hoạt động này theo quy định của pháp luật.
- Các trường hợp doanh nghiệp thực hiện đánh giá lại tài sản cố định
Đánh giá lại TSCĐ là việc doanh nghiệp tự xác định hoặc thuê một bên thứ ba xác định lại giá trị tài sản hiện có trong các trường hợp sau:
– Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp;
Doanh nghiệp phải lập biên bản ghi rõ các căn cứ thay đổi và xác định lại các chỉ tiêu liên quan (nguyên giá, hao mòn lũy kế, giá trị còn lại) trên sổ kế toán và hạch toán đúng quy định hiện hành.
Việc doanh nghiệp đánh giá lại TSCĐ không nằm trong các trường hợp cho phép, không đáp ứng về hồ sơ đánh giá lại hoặc không hạch toán kế toán được coi là đánh giá lại TSCĐ không đúng quy định của pháp luật.
Đánh giá lại tài sản cố định (TSCĐ) là một trong ba trường hợp làm thay đổi nguyên giá TSCĐ của doanh nghiệp bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp và tháo dỡ một hoặc một số bộ phận của TSCĐ theo điểm 4 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC ban hành ngày 24/05/2013.
- Hồ sơ đánh giá lại tài sản cố định
Theo điểm 4 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC, khi thay đổi nguyên giá TSCĐ, doanh nghiệp phải lập biên bản ghi rõ các căn cứ thay đổi (Biên bản đánh giá lại TSCĐ). Ngoài ra, doanh nghiệp phải lưu trữ các hồ sơ liên quan làm căn cứ để xác định giá trị hợp lý của TSCĐ để cung cấp thông tin khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Theo đó, hồ sơ đánh giá lại TSCĐ bao gồm:
– Quyết định về việc đánh giá lại TSCĐ
– Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá lại TSCĐ
– Biên bản đánh giá lại TSCĐ
– Hồ sơ khảo sát, thông tin, tài liệu làm căn cứ định giá tài sản (đối với DN tự định giá lại)
– Chứng thư thẩm định giá, báo cáo kết quả thẩm định giá (đối với DN thuê công ty thẩm định giá)
- Các trường hợp bắt buộc phải thuê tổ chức thẩm định giá khi đánh giá lại tài sản cố định
Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 24/05/2013 có quy định một số trường hợp bắt buộc phải thuê tổ chức định giá chuyên nghiệp khi đánh giá lại TSCĐ, cụ thể là:
– Điểm e khoản 1 Điều 4 quy định trường hợp TSCĐ được cấp, được điều chuyển, nếu không sử dụng giá trị còn lại trên sổ kế toán của đơn vị cấp, đơn vị điều chuyển mà thực hiện đánh giá lại, thì giá trị tài sản phải được đánh giá bởi tổ chức định giá chuyên nghiệp.
– Khoản 7 Điều 9 nêu rõ, trong trường hợp doanh nghiệp đánh giá lại TSCĐ đã khấu hao hết giá trị để đem góp vốn hoặc điều chuyển khi chia, tách, sát nhập, các TSCĐ này phải được xác định giá trị bởi một tổ chức định giá chuyên nghiệp.
Giá trị tài sản sau khi đánh giá lại không được thấp hơn 20% nguyên giá của tài sản đó. Thời gian trích khấu hao đối với giá trị còn lại sau đánh giá là từ 3 đến 5 năm và doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế trước khi thực hiện.
– Điểm d khoản 1 Điều 4 quy định nguyên giá tài sản cố định hữu hình được tài trợ, được biếu, được tặng, do phát hiện thừa là giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp.
Ngoài các trường hợp vừa nêu, trên nguyên tắc doanh nghiệp có thể tự đánh giá lại TSCĐ. Tuy nhiên việc tự đánh giá TSCĐ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số rủi ro có thể kể đến như sau:
– Điểm a.1 khoản 1 Điều 15 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định tổ chức, cá nhân bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp khi qua kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế có căn cứ cho rằng người nộp thuế khai chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác các yếu tố làm cơ sở xác định số tiền thuế phải nộp, đã yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung nhưng người nộp thuế không khai bổ sung hoặc khai bổ sung không chính xác, trung thực theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Do đó, doanh nghiệp sẽ có rủi ro bị cơ quan thuế yêu cầu định giá lại hoặc ấn định nếu cơ quan thuế có căn cứ cho rằng giá trị định giá của TSCĐ không đúng với giá thực tế TSCĐ trên thị trường.
– Điểm b, khoản 3, Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định xử phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng trường hợp cố tình định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Vì vậy để tránh các rủi ro nêu trên, khi cần phải đánh giá lại TSCĐ, doanh nghiệp nên ưu tiên thuê tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: