Hiện nay, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất đang được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn thắc mắc rằng việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất có phải nộp thuế không?

  1. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất được hiểu như nào?

Theo Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Về bản chất thì quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, …

Theo khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này qua người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, theo Điều 34 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì tài sản góp vốn vào doanh nghiệp được xác định là Đồng Việt Nam, ngoại tế tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam

Như vậy, góp vốn bằng quyền sử dụng đất được xác định là một trong những hình thức của thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Và người góp vốn phải làm thủ tục chuyển nhượng tài sản có đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền hay nói cách khác là sang tên quyền sử dụng đất cho công ty. Khi đó, quyền sử dụng đất chuyển từ cá nhân sang công ty, trở thành tài sản của công ty và cá nhân là người góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ trở thành chủ sở hữu/ đồng sở hữu công ty.

  1. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất có phải đóng thuế TNCN?

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tuy nhiên không phải khai và nộp thuế ngay mà chỉ sau khi xảy ra một trong các hành vi: chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp mới phải nộp thuế TNCN.

Theo điểm đ khoản 5 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thu nhập khi góp vốn bằng bất động sản để thành lập doanh nghiệp thuộc thu nhập chịu thuế TNCN.

Khoản 10 Điều 26 Thông tư này quy định:

  1. Khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản trong trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp, góp vốn bằng chứng khoán, góp vốn bằng bất động sản.

Cá nhân góp vốn bằng phần vốn góp, bằng chứng khoán, bằng bất động sản chưa phải khai và nộp thuế từ chuyển nhượng khi góp vốn. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp cá nhân khai và nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản khi góp vốn và thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản khi chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sử dụng đất cho công ty.

Theo đó, khi góp vốn thì mới chỉ phát sinh giao dịch chuyển nhượng mà chưa phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng đó nên cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa phải khai và nộp thuế từ chuyển nhượng khi góp vốn.

Song việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vẫn phải chịu thuế TNCN chỉ khác là không phải khai và nộp thuế ngay như các giao dịch thông thường khác mà sau khi chuyển nhượng vốn/rút vốn/giải thể doanh nghiệp mới phải khai và nộp thuế TNCN.

  1. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất có phải nộp lệ phí trước bạ hay không?

Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

Như vậy, khi bạn góp vốn vào doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất và thực hiện việc chuyển quyền sở hữu quyền sử dụng đất này qua doanh nghiệp thì sẽ được miễn lệ phí trước bạ.

  1. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất có phải đăng ký biến động đất đai?

Căn cứ Khoản 4 Điều 95 Luật đất đai 2013 có quy định như sau:

a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;

d) Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;

đ) Chuyển mục đích sử dụng đất;

e) Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;

g) Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Theo đó, trong trường hợp này bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai.

  1. Hồ sơ và thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất

5.1. Hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Căn cứ theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
  • Hợp đồng, văn bản về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
  • Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;
  • Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.

5.2. Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP:

– Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

  • Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.

– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:

  • Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
  • Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • (Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất)
  • Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi UBND cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply