Ngày 18/8/2023, Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 3658/TCT-QLN về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ.

Tổng cục Thuế đề nghị các Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các biện pháp sau

  1. Cưỡng chế đối với doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày

Theo Mục 2 Công văn 3658/TCT-QLN ngày 18/8/2023, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày được hướng dẫn thực hiện như sau:

– Đối với doanh nghiệp nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế: áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

– Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.

  1. Thu hồi tiền thuế của doanh nghiệp có tiền thuế nợ dưới 90 ngày

Theo Mục 2 Công văn 3658/TCT-QLN ngày 18/8/2023, việc thu hồi tiền thuế của doanh nghiệp có tiền thuế nợ dưới 90 ngày được hướng dẫn thực hiện như sau:

Đối với doanh nghiệp nộp thuế chỉ có tiền thuế nợ dưới 90 ngày: thực hiện ngay các biện pháp (gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ) đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.

  1. Công khai thông tin của doanh nghiệp nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn

Theo Mục 3 Công văn 3658/TCT-QLN ngày 18/8/2023, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công khai thông tin của người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tập trung vào người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài.

  1. Các biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ năm 2023

Căn cứ theo khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019, các biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ năm 2023 bao gồm:

– Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của người nộp thuế mở tại Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác.

– Cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.

– Đề nghị cơ quan hải quan cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

– Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

– Cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.

– Cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ.

– Cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 59. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế – Luật Quản lý thuế 2019

1. Các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp bao gồm:

a) Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế;

b) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;

c) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước;

d) Trường hợp được nộp dần tiền thuế nợ quy định tại khoản 5 Điều 124 của Luật này;

đ) Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế do hết thời hiệu xử phạt nhưng bị truy thu số tiền thuế thiếu quy định tại khoản 3 Điều 137 của Luật này;

e) Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 142 của Luật này;

g) Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chậm chuyển theo quy định.

2. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau:

a) Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;

b) Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.

3. Người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp người nộp thuế có khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Luật này.

4. Trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.

5. Không tính tiền chậm nộp trong các trường hợp sau đây:

a) Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán thì không phải nộp tiền chậm nộp.

Số tiền nợ thuế không tính chậm nộp là tổng số tiền thuế còn nợ ngân sách nhà nước của người nộp thuế nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán;

b) Các trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 55 của Luật này thì không tính tiền chậm nộp trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định; trong thời gian chưa có giá chính thức; trong thời gian chưa xác định được khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan.

6. Chưa tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ theo quy định tại Điều 83 của Luật này.

7. Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế phải nộp giảm thì được điều chỉnh số tiền chậm nộp đã tính tương ứng với số tiền chênh lệch giảm.

8. Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 1 Điều này được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật này.

9. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply