Trong xu thế hội nhập của nền kinh tế, việc chúng ta phải cập nhật các kiến thức tài chính kế toán của Quốc tế đang ngày một cấp thiết. Bộ tài chính đang xây dựng lộ trình chuyển đổi Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS.

  1. IFRS là gì?

IFRS là từ viết tắt cho cụm từ tiếng Anh “International Financial Reporting Standards” được dịch sang tiếng Việt là: “Chuẩn mực báo cáo Tài chính quốc tế”.

IFRS bao gồm các Chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (International Accounting Standards Board – IASB) với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để Báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới.

Mục tiêu chính của IFRS chính là cung cấp một bộ quy tắc về cách lập và trình bày báo cáo tài chính sao cho có sự thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên phạm vi toàn thế giới. Nhờ đó, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp trở nên thống nhất và đảm bảo tin cậy, có thể so sánh với các doanh nghiệp khác, hay rộng hơn là các quốc gia khác.

  1. Tầm quan trọng của IFRS

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, giao thương giữa các nước ngày càng mạnh thì sự ra đời của các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS là điều cực kỳ cần thiết. Vai trò quan trọng của IFRS có thể điểm đến như:

  • Báo cáo tài chính được lập và trình bày trên ngôn ngữ kế toán chung, có tính thống nhất và đáng tin cậy trên toàn thế giới.
  • Các doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư, kế toán viên, kiểm toán viên trên toàn thế giới đều có thể đọc hiểu, sử dụng và phân tích báo cáo tài chính của một doanh nghiệp cụ thể nào đó trên mọi quốc gia.
  • Chuẩn mực quốc tế cho phép phản ánh hợp lý giá trị của tổ chức và doanh nghiệp vì hiện nay các tổ chức và doanh nghiệp ở các quốc gia nhất định đang được định giá dựa trên chuẩn mực kế toán của quốc gia đó.
  • Loại bỏ chi phí chuyển đổi báo cáo tài chính của doanh nghiệp có chi nhánh ở nhiều quốc gia. Các chi nhánh có thể lập báo cáo tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế chung.
  • Các quốc gia trên thế giới đang trong tiến trình chuyển sang chuẩn mực quốc tế nên việc chuyển đổi sang chuẩn mực IFRS tại Việt Nam là việc làm mang tính cấp bách.
  1. Lộ trình áp dụng IFRS – Chuyển đổi VAS sang IFRS

Trong quyết định số 345/QĐ-BTC của Bộ Tài chính cũng đã nêu rõ về phương án công bố và áp dụng IFRS. Cụ thể sẽ chia thành 3 giai đoạn, bao gồm chuẩn bị, áp dụng tự nguyện và áp dụng bắt buộc. Nội dung chi tiết được trình bày như sau.

– Giai đoạn 1 – Giai đoạn chuẩn bị (từ năm 2020 đến năm 2021)

Giai đoạn này sẽ tập trung vào các công việc cơ bản như sau:

  • Xây dựng và ban hành các văn bản, đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam.
  • Thành lập ban dịch thuật và công bố bản dịch IFRS sang tiếng Việt.
  • Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS.
  • Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình để có thể triển khai áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp.

– Giai đoạn 2 – Áp dụng tự nguyện (từ năm 2022 đến năm 2025)

  • Ở thời điểm này, các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện có thể áp dụng chuẩn mực IFRS trên hình thức tự nguyện. Các doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho Bộ Tài chính trước khi thực hiện để lập báo cáo tài chính hợp nhất hay báo cáo riêng.
  • Những đối tượng lập báo cáo tài chính hợp nhất: Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô lớn hoặc có các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết, các công ty mẹ khác cho nhu cầu tự nguyện áp dụng IFRS.
  • Đối tượng lập báo cáo tài chính riêng: Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, đã thông báo cho Bộ Tài chính.

– Giai đoạn 3 – Áp dụng bắt buộc (từ sau năm 2025)

  • Dự kiến đến năm 2025, tất cả các doanh nghiệp sẽ phải áp dụng IFRS theo hình thức bắt buộc.
  • Đối với báo cáo tài chính hợp nhất: Căn cứ nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp và tình hình thực tế mà Bộ Tài chính đưa ra phương án áp dụng IFRS cho tất cả các doanh nghiệp, trừ các công ty đã áp dụng IFRS hay doanh nghiệp có chế độ kế toán siêu nhỏ.
  • Đối với báo cáo tài chính riêng: Dựa vào tình hình thực tế ở Giai đoạn 1 để Bộ Tài chính quy định thời điểm áp dụng IFRS bắt buộc hoặc tự nguyện để lập báo cáo tài chính riêng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.
  1. Thách thức khi áp dụng IFRS tại Việt Nam

Mỗi quốc gia lại có chuẩn mực kế toán riêng mình như Việt Nam là VAS, Mỹ là US GAAP… Tuy mỗi chuẩn mực kế toán quốc gia đều dựa trên IAS làm tiêu chuẩn nhưng lại được biến đổi để phù hợp với chính sách kinh tế của từng nước.

Hiện nay, khi nền kinh tế ngày các mở cửa, việc công ty của quốc gia này được niêm yết trên sàn chứng khoán của quốc gia khác gặp khá nhiều khó khăn, do báo cáo tài chính không đồng bộ.

Bên cạnh đó, các công ty con, công ty liên kết nằm ở những quốc gia khác đối với công ty mẹ cũng gặp khó khăn trong chuyển đổi báo cáo tài chính. Do đó, việc mua bán cổ phần, đầu tư liên quốc gia gặp một số khó khăn và bất cập.

Ngoài ra, khi áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ gặp một số thách thức như:

  • Thị trường tài chính và thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng
  • Các doanh nghiệp không muốn công khai tình hình tài chính
  • Thiếu đội ngũ nhân lực
  • Bất đồng ngôn ngữ

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply