Khẩn trương giải quyết hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.

Hoàn thuế giá trị gia tăng được hiểu là một khoản thuế được Nhà nước trả lại cho người nộp thuế sau khi họ đã nộp vào ngân sách nhà nước. Để được hoàn cần thuộc diện được hoàn thuế, đủ điều kiện hoàn, có đề nghị hoàn thuế.

Hoàn thuế GTGT là một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, các yêu cầu về điều kiện, hồ sơ và các thủ tục liên quan tới hoàn thuế khá phức tạp, được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Do đó, Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 đề cập tới nội dung nhanh chóng giải quyết hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp. Các bạn có thể theo dõi bài viết sau để nắm rõ vấn đề hơn nhé.

  1. Khẩn trương giải quyết hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp

Tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 08/4/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xử lý giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp;

Sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đưa chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn.

Đồng thời, triển khai thực hiện các nội dung khác như sau:

– Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát.

Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2023 về phương án tổng thể điều hành chính sách tài khóa trong tình hình hiện nay.

– Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tiếp tục triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số và chống thất thu thuế; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không thực sự cấp bách.

– Trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế giá trị gia tăng).

– Hoàn thiện phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

– Tiếp tục rà soát, theo dõi, đánh giá Nghị định 08/2023/NĐ-CP và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để xử lý phù hợp, hiệu quả các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay theo quy định pháp luật.

– Nghiên cứu, khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.

  1. Khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện:

– Điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác; điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.

– Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

– Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo Kết luận của Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng.

– Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ:

+ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam;

+ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam;

+ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam;

+ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

– Khẩn trương thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật các nhiệm vụ được giao theo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 28/3/2023;

Đồng thời sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, tăng cường minh bạch, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply