Tờ khai hải quan là chứng từ đặc biệt quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên sẽ có một số trường hợp không nhất thiết phải có tờ khai hải quan. Vậy khi không có tờ khai hải quan thì DN có phải xuất hóa đơn hay không?

  1. Hóa đơn GTGT được sử dụng như thế nào?

Theo quy định khoản 1 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về các loại hóa đơn như sau:

Loại hóa đơn

Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:

  1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:

a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

b) Hoạt động vận tải quốc tế;

c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

……

Theo đó, hóa đơn GTGT được sử dụng cho các hoạt động dưới đây đối với các tổ chức khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, cụ thể như:

– Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa.

– Hoạt động vận tải quốc tế.

– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu.

– Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

  1. Thời điểm xuất hóa đơn GTGT đối với dịch vụ là khi nào?

Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn cụ thể như sau:

Thời điểm lập hóa đơn

  1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
  2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
  3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

…..

Thông qua quy định trên, thời điểm xuất hóa đơn GTGT đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

– Thời điểm xuất hóa đơn GTGT có thể là thời điểm thu tiền trong trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ.

Lưu ý: Hoạt động thu tiền không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng.

– Bên cạnh đó, trường hợp phải bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị dịch vụ được giao tương ứng.

  1. Xuất hóa đơn GTGT dịch vụ xuất khẩu không có tờ khai hải quan áp dụng thuế như thế nào?

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về thuế suất GTGT 0% như sau:

Thuế suất 0%

1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.

2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%

a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:

– Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;

– Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

– Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.

b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:

– Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;

– Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

Riêng đối với dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, để được áp dụng thuế suất 0%, ngoài các điều kiện về hợp đồng và chứng từ thanh toán nêu trên, tàu bay, tàu biển đưa vào Việt Nam phải làm thủ tục nhập khẩu, khi sửa chữa xong thì phải làm thủ tục xuất khẩu.

Dựa theo quy định trên, thuế suất 0% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu,…

Để được áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu cần áp dụng các điều kiện như sau:

– Là các dịch vụ xuất khẩu bao gồm:

+ Dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam.

+ Dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.

– Không thuộc trường hợp bị cấm áp dụng thuế suất 0% theo quy định pháp luật.

– Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan.

– Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật.

– Đối với dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, còn phải thực hiện thủ tục nhập khẩu, khi sửa chữa xong thì phải làm thủ tục xuất khẩu.

Như vậy, tờ khai hải quan chỉ được yêu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu khi áp dụng thuế suất 0%. Do đó, việc xuất hóa đơn GTGT dịch vụ xuất khẩu không có tờ khai hải quan thì vẫn được áp dụng thuế suất 0% nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply