Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra thuế là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Rất nhiều kế toán doanh nghiệp có “nỗi lo” chung về việc hồ sơ chuẩn bị để thanh tra, kiểm tra có sai sót gì, trong quá trình thanh tra, kiểm tra thì cần những kỹ năng gì? Qua bài viết sau, cùng tìm hiểu một số nội dung liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra và một số kỹ năng để thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp.

  1. Kiểm tra hồ sơ trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra

1.1. Kiểm tra các tờ khai thuế

Kế toán phải kiểm tra lại toàn bộ tờ khai thuế đã nộp cho thời kỳ được thanh tra, kiểm tra thuế theo các nội dung sau:

– Tờ khai thuế đã nộp đầy đủ theo nghĩa vụ kê khai hay chưa? Các tờ khai đã nộp có đúng thời hạn kê khai (tháng/quý/năm) hay chưa?

– Các tờ khai đã nộp được hiển thị trạng thái “Cơ quan thuế chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử của NNT” hay “Không chấp nhận việc nộp HSKT điện tử”.

Nếu có tờ khai hiển thị trạng thái “Không chấp nhận việc nộp HSKT điện tử” thì cần xem thông báo của cơ quan thuế để biết lý do không chấp nhận và thực hiện điều chỉnh và gửi lại hồ sơ khai thuế.

– Kiểm tra số liệu tại các tờ khai và thực hiện khai điều chỉnh, bổ sung theo đúng quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.

“Điều 47. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế

  1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.”

– Tra cứu, đối chiếu Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra trên cổng Tổng cục Thuế https://hoadondientu.gdt.gov.vn với số liệu theo dõi của doanh nghiệp.

1.2. Chuẩn bị hồ sơ kế toán

– Các hồ sơ kế toán, sổ kế toán cần được in, ký tên, đóng dấu và được đóng thành các quyển, các tập chứng từ để thuận tiện cho việc xem xét trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

– Chứng từ kế toán cần có các chứng từ gốc làm minh chứng như phiếu chi kèm theo chứng từ thanh toán, phiếu nhập kho cần kèm theo hoá đơn mua vật tư, chứng từ báo nợ ngân hàng kèm theo uỷ nhiệm chi …

Kế toán cần hết sức lưu ý chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN thì phải thực hiện lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ (hướng dẫn tại điểm 2.4 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC). Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này thì khoản chi phí liên quan sẽ bị loại.

– Các hồ sơ kế toán khác có liên quan như tờ khai thuế; sổ phụ (sao kê) ngân hàng; các quyết định miễn, giảm thuế của cơ quan thuế; các loại biên bản thanh tra, kiểm tra thời kỳ trước hoặc các quyết định xử lý, xử phạt trong kỳ thanh tra, kiểm tra … cần được tập hợp đầy đủ thành một bộ tài liệu để thuận lợi trong quá trình làm việc với Đoàn thanh tra, kiểm tra thuế.

1.3. Chuẩn bị các loại hồ sơ kèm theo

Các loại hồ sơ kèm theo là một phần không thể thiếu của doanh nghiệp khi thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thuế. Tuỳ theo thực tế hoạt động của doanh nghiệp mà hồ sơ có thể bao gồm một số loại sau:

– Hồ sơ pháp lý doanh nghiệp: Đăng ký kinh doanh; Điều lệ Doanh nghiệp; Danh sách cổ đông hoặc người góp vốn; Nghị quyết/quyết định của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ sở hữu doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

– Hồ sơ liên quan đến hoạt động chung của doanh nghiệp: Quy chế quản lý tài chính, quy chế khoán nội bộ doanh nghiệp, quy chế lương, thưởng của doanh nghiệp, các định mức kinh tế kỹ thuật được ban hành áp dụng trong nội bộ doanh nghiệp (định mức tiêu hao vật tư, định mức sử dụng xe, máy …)

– Hồ sơ liên quan đến lao động: Hợp đồng lao động, Biên bản thanh lý hợp đồng lao động (nếu có), bảng chấm công …

– Hồ sơ khác: Hồ sơ liên quan đến đất đai; Hồ sơ liên quan đến tài sản cố định; các loại hồ sơ đặc thù theo ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp

Ví dụ: Doanh nghiệp hoạt động xây dựng cơ bản cần có các loại hồ sơ như: thiết kế, dự toán, hồ sơ dự thầu, hợp đồng giao thầu, bộ hồ sơ nghiệm thu hoàn thành công trình, bản vẽ hoàn công …

  1. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế

– Nắm vững nội dung hồ sơ kiểm tra, các nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh trong thời kỳ thanh tra, kiểm tra để giải đáp kịp thời các câu hỏi của Đoàn thanh tra, kiểm tra thuế.

– Thực hiện việc giải trình các vấn đề theo yêu cầu của Đoàn thanh tra, kiểm tra thuế trên cơ sở các quy định của pháp luật. Trường hợp thời kỳ thanh tra, kiểm tra là nhiều năm thì thực hiện giải trình các vấn đề cụ thể theo quy định tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ, tránh việc áp dụng quy định pháp luật không đúng thời điểm.

  1. Sau quá trình thanh tra, kiểm tra thuế

– Thực hiện việc điều chỉnh số liệu theo kết luận thanh tra, kiểm tra thuế.

– Thực hiện nộp số thuế và các khoản phải thu khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế.

– Xử lý các vấn đề trong nội bộ doanh nghiệp:

+ Xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để xảy ra sai sót trong hồ sơ thanh tra, kiểm tra thuế;

+ Làm rõ trách nhiệm của bộ phận, cá nhân để xảy ra sai sót (nếu có);

+ Đưa ra giải pháp khắc phục những vấn đề sai sót trong công tác kế toán, thuế của doanh nghiệp.

Kết luận:

Sai sót về thuế là điều mà nhiều người làm công tác kế toán thuế gặp phải. Để không xảy ra sai sót hoặc hạn chế sai sót thì yêu cầu kế toán phải nắm vững quy định của pháp luật về thuế.

Trường hợp chưa rõ các vấn đề pháp luật quy định về thuế doanh nghiệp, kế toán có thể hỏi các cơ quan thuế để được giải đáp và áp dụng tại doanh nghiệp.

Khi có quyết định thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan chức năng thì cần thiết phải thực hiện kiểm tra lại các hồ sơ (bao gồm cả hồ sơ kế toán, hồ sơ thuế và các loại hồ sơ khác có liên quan); bảo đảm hồ sơ đáp ứng được các yêu cầu thanh tra, kiểm tra thuế ở mức cao nhất. Kế toán cần nắm vững các nghiệp vụ phát sinh tại doanh nghiệp, nắm vững quy định của pháp luật về thuế để giải trình trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Sau khi được thanh tra, kiểm tra thuế thì doanh nghiệp cần rút ra được bài học kinh nghiệm để thực hiện công tác kế toán, thuế đúng quy định; những sai sót được phát hiện khi thanh tra, kiểm tra phải được khắc phục kịp thời.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply