Hàng bán bị trả lại là các sản phẩm đã xác định tiêu thụ nhưng do vi phạm về phẩm chất, chủng loại, quy cách nên bị người mua trả lại. Vậy, khi Doanh nghiệp có hàng bán bị trả lại, họ phải xử lý hóa đơn bán hàng của họ như thế nào, chúng ta cùng tham khảo các quy định trong bài viết này nhé.

  1. Hàng bán trả lại có xuất hóa đơn hay không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ có quy định:

Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

  1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

=> Có thể thấy Doanh nghiệp phải xuất hóa đơn kể cả trường hợp hoàn trả hàng hóa. Vậy cụ thể hóa đơn này xuất như thế nào? Người mua, người bán sẽ xử lý hóa đơn ra sao, chúng ta cùng tham khảo quy định tiếp nhé.

Cụ thể, Cục thuế Tỉnh Bình Định đã có công văn số 1860/CTBDI-TTHT trả lời CT CP Tập đoàn Hoa Sen – CN Bình Định hỏi về xử lý hàng bán bị khách hàng trả lại theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP:

– Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh, có sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng/hóa đơn bán hàng thì:

  • Khi trả lại một phần/toàn bộ hàng hóa của hóa đơn mà người bán đã xuất bán, người mua xuất hóa đơn ghi trả lại một phần/toàn bộ hàng hóa cho người bán.

– Trường hợp người mua là cá nhân, không có sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng/hóa đơn bán hàng thì:

  • Khi nhận trả lại một phần hàng hóa của hóa đơn mà Chi nhánh đã xuất bán thì Chi nhánh xuất hóa đơn điều chỉnh giảm đúng với thực tế một phần hàng hóa đã nhận lại;
  • Khi nhận trả lại toàn bộ hàng hóa của hóa đơn mà Chi nhánh đã xuất bán thì Chi nhánh thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập cho người mua đúng với thực tế.
  1. Nội dung trên hóa đơn

Công văn 7589/CTTPHCM-TTHT năm 2022 về hóa đơn điện tử do Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành có nêu như sau:

Căn cứ các quy định nêu trên: Trường hợp Công ty và Nhà cung cấp của Công ty áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP , Thông tư số 78/2021/TT-BTC , Công ty mua hàng của Nhà cung cấp và phát sinh nghiệp vụ kinh tế hoàn trả một phần hàng đã mua của Nhà cung cấp thì Công ty thực hiện lập hóa đơn điện tử giao cho Nhà cung cấp: Trên hóa đơn ghi số lượng hàng hóa trả lại, thuế suất trả lại và tiền thuế GTGT (số dương). Căn cứ hóa đơn trả lại hàng hóa, Công ty và Nhà cung cấp thực hiện kê khai điều chỉnh giảm doanh thu thuế GTGT đầu ra, đầu vào theo pháp luật về thuế GTGT.

Như vậy, nếu là trường hợp trả lại hàng hóa thì Bên mua lập hóa đơn điện tử hàng bán trả lại để giao cho bên bán: Trên hóa đơn ghi số lượng hàng hóa trả lại, thuế suất trả lại và tiền thuế GTGT (số dương).

  1. Thuế suất thuế GTGT đối với hóa đơn trả lại hàng

Thuế suất thuế GTGT đối với hóa đơn trả lại hàng đối với hàng hóa mua bán năm 2022 nhưng đến 2023 phát sinh trả lại hàng?

Công văn 7972/CTHN-TTHT ngày 27 tháng 02 năm 2023 hướng dẫn:

Căn cứ các quy định trên, trường hợp người nộp thuế là tổ chức nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phát sinh việc hoàn trả hàng hóa theo quy định của pháp luật thì khi hoàn trả hàng hóa, người nộp thuế thực hiện lập hóa đơn GTGT theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, thuế suất thuế GTGT của hàng hóa hoàn trả tương ứng với thuế suất của hàng hóa đó ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng.

Về thuế suất thuế GTGT của hóa đơn trả lại hàng, đối với trường hợp hàng hóa mua bán năm 2022 nhưng đến 2023 phát sinh trả lại hàng, tham khảo nội dung hướng dẫn tại Công văn 313/CTTPHCM-TTHT năm 2023 thì hàng hóa đã mua từ tháng 02/2022 đến tháng 12/2022 (hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT áp dụng là 8%), đến năm 2023 phát sinh trả lại hàng thì hóa đơn trả lại hàng được lập với thuế suất thuế GTGT là 8%.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply