Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có quyền thay đổi kỳ kế toán cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và mục tiêu quản lý. Khi doanh nghiệp thay đổi kỳ kế toán cần lưu ý vể việc lập và trình bày Báo cáo tài chính tuân thủ những nguyên tắc theo quy định của pháp luật.

  1. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính khi thay đổi kỳ kế toán

Theo Điều 103 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính khi thay đổi kỳ kế toán, ví dụ đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp phải tiến hành khoá sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:

(1) Việc thay đổi kỳ kế toán phải tuân thủ theo quy định của Luật Kế toán 2015. Khi thay đổi kỳ kế toán năm, kế toán phải lập riêng Báo cáo tài chính cho giai đoạn giữa 2 kỳ kế toán của năm tài chính cũ và năm tài chính mới, ví dụ:

Doanh nghiệp có kỳ kế toán năm 2014 theo năm dương lịch. Năm 2015, doanh nghiệp chuyển sang áp dụng kỳ kế toán năm bắt đầu từ 1/4 năm trước đến 31/3 năm sau. Trường hợp này, doanh nghiệp phải lập Báo cáo tài chính riêng cho giai đoạn từ 1/1/2015 đến 31/3/2015.

– Đối với Bảng Cân đối kế toán: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của kỳ kế toán trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số dư đầu kỳ của kỳ kế toán mới và được trình bày trong cột “Số đầu năm”.

– Đối với Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Số liệu kể từ thời điểm thay đổi kỳ kế toán đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên được trình bày trong cột “Kỳ này”. Cột “kỳ trước” trình bày số liệu của 12 tháng trước tương đương với kỳ kế toán năm hiện tại.

Ví dụ: Tiếp theo ví dụ trên, khi trình bày cột “Kỳ trước” trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bắt đầu từ ngày 1/4/2015 và kết thúc ngày 31/3/2016, doanh nghiệp phải trình bày số liệu của giai đoạn từ 1/4/2014 đến 31/3/2015.

  1. Doanh nghiệp thay đổi kỳ kế toán thực hiện kê khai thuế như thế nào?

Theo hướng dẫn tại Công văn 4065/CT-TTHT năm 2017 thì

Căn cứ khoản 1a, Điều 12 Luật Kế toán 2015 quy định:

“1. Kỳ kế toán gồm kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng và được quy định như sau:

a) Kỳ kế toán năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch. Đơn vị kế toán có đặc thù về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và phải thông báo cho cơ quan tài chính, cơ quan thuế;”

Căn cứ điểm đ, khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 03/11/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn một số Điều của Luật quản lý thuế quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:

“đ) Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.”

Căn cứ khoản 4 Điều 3 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quy định:

“4. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm cả chuyển đổi kỳ tính thuế từ năm dương lịch sang năm tài chính hoặc ngược lại) thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp của năm chuyển đổi không vượt quá 12 tháng.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A (DN A) kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 áp dụng theo năm dương lịch, đầu năm 2014 lựa chọn chuyển đổi sang năm tài chính từ ngày 01/4 năm này sang ngày 31/03 năm sau, thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm chuyển đổi (năm chuyển đổi 2014) được tính từ ngày 01/01/2014 đến hết ngày 31/03/2014 (3 tháng), kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm tiếp theo (năm tài chính 2014) được tính từ ngày 01/04/2014 đến hết ngày 31/03/2015.…”

Căn cứ quy định trên, trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký chuyển đổi kỳ kế toán từ năm dương dịch (01/01 đến 31/12) sang năm tài chính (01/04 đến ngày 31/03) năm sau và áp dụng kỳ tính thuế TNDN năm chuyển đổi bắt đầu từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/03/2017 thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nộp tiền thuế của kỳ tính thuế năm chuyển đổi (từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/03/2017) chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi) kể từ ngày kết thúc kỳ tính thuế năm chuyển đổi.

Khi thay đổi kỳ tính thuế từ năm dương dịch sang năm tài chính thì doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply