Sau khi thành lập, doanh nghiệp đã chính thức có tư cách pháp lý, được nhân danh chính mình để giao kết hợp đồng và thực hiện những hoạt động sản xuất – kinh doanh khác. Tuy nhiên, để việc vận hành thuận lợi và tránh việc bị phạt, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau đây:
1. Treo bảng hiệu của doanh nghiệp
Tên doanh nghiệp phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp theo quy định (khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020). Nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định (Điều 52 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
2. Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh
Khi thay đổi nội dung ĐKKD doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan ĐKKD trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thay đổi theo quy định và được cấp lại giấy chứng nhận ĐKKD trong các trường hợp bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu hủy dưới các hình thức theo quy định (Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020). Nếu không đăng ký hoặc đăng ký không đúng thời hạn các thay đổi nội dung ĐKKD, không khai báo việc mất giấy chứng nhận ĐKKD thì sẽ bị xử phạt theo quy định (Điều 44, 49, 50 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
3. Tạm ngừng kinh doanh
Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan ĐKKD chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo theo quy định (khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020). Nếu không thông báo hoặc thông báo không đúng thời gian quy định sẽ bị xử phạt (Điều 50 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
4. Quy định về góp vốn, sổ đăng ký thành viên, cổ đông:
Đối với Công ty TNHH 1TV: Chủ sở hữu công ty phải góp vốn đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. (Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020). Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy đinh 90 ngày, chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Nếu vi pham sẽ bị xử phạt theo quy định (Điều 46 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Thành viên phải góp vốn đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp (Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020); Công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho các thành viên góp vốn tại thời điểm góp đủ giá trị phần vốn góp; lập sổ đăng ký thành viên ngay sau khi ĐKKD (Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2020). Nếu vi pham sẽ bị xử phạt theo quy định (Điều 46 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
Đối với công ty cổ phần: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời gian khác ngắn hơn. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định 90 ngày; Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán; phải lập sổ đăng ký cổ đông của công ty và phải họp Đại hội đồng cổ đông thường niên theo đúng thời gian quy định; (Điều 113, Điều 122, Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020).
Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định sẽ bị xử phạt theo quy định (Điều 46 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
5. Ngành nghề và điều kiện kinh doanh
Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư, doanh nghiệp phải làm các thủ tục đăng ký đủ điều kiện hoạt động với các cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật đồng thời phải bảm bảo duy trì đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu vi phạm và tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh thì sẽ bị xử phạt theo quy định (Điều 48 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
6. Quy định về chế độ báo cáo
Thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo yêu cầu của cơ quan Đăng ký kinh doanh được quy định tại Điều 216 của Luật Doanh nghiệp 2020. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định (Điều 48 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP).
7. Chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp.
Tùy theo loại hình, doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu sau đây:
a) Điều lệ công ty; quy chế quản lý nội bộ của công ty; sổ đăng ký thành viên hoặc sổ đăng ký cổ đông;
b) Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; giấy phép và giấy chứng nhận khác;
c) Tài liệu, giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của công ty;
d) Phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; các quyết định của doanh nghiệp;
đ) Bản cáo bạch để chào bán hoặc niêm yết chứng khoán;
e) Báo cáo của Ban kiểm soát, kết luận của cơ quan thanh tra, kết luận của tổ chức kiểm toán;
g) Sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm.
* Các hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh
1. Vi phạm các quy định về kê khai nhân thân của người thành lập doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp;
2. Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
3. Vi phạm về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp;
4. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp;
5. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ;
6. Vi phạm về chế độ báo cáo và thực hiện yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh;
7. Vi phạm các quy định về đăng ký vốn góp vào công ty;
8. Vi phạm các quy định về treo biển hiệu doanh nghiệp;
9. Vi phạm quy định về không ĐKKD;
* Các trường hợp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp không được thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
1. Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
2. Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp;
3. Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự;
4. Doanh nghiệp đang trong tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”.
* Các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
2. Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020;
3. Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
4. Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật Doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạng gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
5. Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, để nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật;
Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật.
Nguồn: Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Trà Vinh
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: