Khi kinh doanh không hiệu quả, doanh nghiệp có thể lựa chọn tạm ngừng hoạt động. Theo đó, tạm ngừng kinh doanh có phải nộp thuế môn bài (lệ phí môn bài) không? Muốn tạm ngừng kinh doanh mà không phải nộp thuế môn bài cần đáp ứng điều kiện gì? Cùng tham khảo bài viết sau.

  1. Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp thuế môn bài?

Người nộp lệ phí môn bài sẽ không phải nộp lệ phí môn bài nếu đáp ứng 02 điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP và khoản 4 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC:

1- Có văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch (từ 01/01 – 31/12) gửi cơ quan thuế/cơ quan đăng ký kinh doanh trước ngày 30/01 của năm xin tạm ngừng kinh doanh;

2- Chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng kinh doanh.

Nếu không đảm bảo điều kiện nêu trên thì phải nộp lệ phí môn bài cả năm.

Theo đó, người nộp lệ phí môn bài sẽ không phải nộp lệ phí nếu đáp ứng điều kiện nêu trên. Như vậy, việc tạm ngừng kinh doanh có phải nộp lệ phí môn bài hay không phụ thuộc vào thời điểm đăng ký tạm ngừng kinh doanh.

Trường hợp có văn bản xin tạm ngừng kinh doanh trước 30/1 và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng kinh doanh thì không phải nộp lệ phí môn bài của năm đó, nếu đã nộp lệ phí môn bài năm đó rồi thì không được hoàn lại.

Lưu ý: Từ ngày 25/02/2020 (thời điểm Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực), đăng ký tạm ngừng trong năm dương lịch (không trọn năm từ ngày 01/01 – 31/12) nhưng đáp ứng điều kiện nêu trên vẫn được miễn lệ phí môn bài của năm đó (thay vì phải tạm ngừng trọn năm dương lịch như quy định trước đây tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP).

  1. Cách tạm ngừng kinh doanh mà không phải nộp thuế môn bài

Từ phân tích trên, có thể thấy rằng, để không phải nộp lệ phí môn bài khi tạm ngừng kinh doanh thì cần phải thỏa mãn cả 02 điều kiện:

Thứ nhất, có văn bản xin tạm ngừng kinh doanh trước ngày 30/1 của năm xin tạm ngừng.

Đối chiếu với quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP:

– Doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh: Phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

– Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh: Phải gửi thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.

Do đó, để thực hiện theo đúng quy định liên quan:

– Doanh nghiệp phải gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày ngày 30/01 của năm tạm ngừng:

– Còn tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh phải gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh chậm nhất là 01 ngày làm việc trước ngày 30/01 của năm tạm ngừng,

Thứ hai, chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng kinh doanh.

Thời hạn nộp lệ phí môn bài thông thường: Chậm nhất là ngày 30/01 hằng năm.

Lưu ý:

Stt Đối tượng Thời hạn
1 Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ 4 kể từ khi thành lập doanh nghiệp – Nếu kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong 06 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30/7 năm kết thúc thời gian miễn.

– Nếu kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong 06 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.

2 Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại – Nếu ra hoạt động trong 06 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động.

– Nếu ra hoạt động trong 06 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm ra hoạt động.

Chậm nộp lệ phí môn bài sẽ phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được xác định như sau:

– Đối với tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh: Là thời gian được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.

– Đối với tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh: Là thời gian được cơ quan thuế ghi trên Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh.

– Đối với người nộp thuế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, thông báo hoặc yêu cầu tạm ngừng hoạt động, kinh doanh: Là thời gian được ghi trên văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Kết luận: Nếu muốn tạm ngừng kinh doanh mà không phải nộp lệ phí môn bài:

– Doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải gửi hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh tới Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày 30/01 của năm xin tạm ngừng.

Ví dụ: Doanh nghiệp muốn tạm ngừng kinh doanh từ ngày 30/01/2024 – 29/01/2025 để được miễn lệ phí môn bài năm 2024, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh tới Phòng đăng ký kinh doanh chậm nhất là ngày 25/01/2024 (03 ngày làm việc trước ngày 30/01/2024) và chưa nộp lệ phí môn bài năm 2024.

– Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện không phải đăng ký kinh doanh: Phải nộp hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước ngày 30/01 của năm xin tạm ngừng.

Ví dụ: Hộ kinh doanh muối muốn tạm ngừng kinh doanh từ ngày 30/01/2024 – 29/01/2025 để được miễn lệ phí môn bài năm 2024 cần phải nộp hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 29/01/2024 (01 ngày làm việc trước ngày 30/01) và chưa nộp lệ phí môn bài năm 2024.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply