Ngày 07/7/2023, Tổng cục Thuế có Công văn số 2812/TCT-TTKT về việc triển khai các biện pháp phòng, chống tình trạng buôn bán hóa đơn trên không gian mạng.

Theo đó, thời gian qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng, chỉ cần gõ yêu cầu tìm kiếm “mua hóa đơn” tại các công cụ tìm kiếm phổ biến, các đối tượng có nhu cầu mua hóa đơn đã có thể tiếp cận với hàng nghìn kết quả quảng cáo rao bán, cung cấp dịch vụ bán hóa đơn trên các trang mạng với những lời cam kết, khẳng định chất lượng hóa đơn.

Do vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống, ngăn chặn, xử lý các đối tượng mua bán hóa đơn đặc biệt là việc quảng cáo, rao bán hóa đơn trên không gian mạng, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế cụ thể như sau:

1. Đề nghị Lãnh đạo Cục Thuế giao 01 phòng đầu mối thực hiện nghiên cứu, rà soát, tổ chức triển khai áp dụng các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với tình trạng mua bán hóa đơn trên không gian mạng. Báo cáo thông tin đơn vị đầu mối phụ trách theo mẫu biểu tại Phụ lục 01 để Tổng cục Thuế liên hệ công tác, tổng hợp kết quả triển khai.

2. Cục Thuế tăng cường tuyên truyền phổ biến trên báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các kênh thông tin phổ biến trên địa bàn quản lý để tuyên truyền cho người nộp thuế về chính sách pháp luật của nhà nước, các chế tài xử lý đối với đối tượng mua, bán, sử dụng hóa đơn khống.

3. Cục Thuế chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác quản lý phù hợp đối với địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đề nghị phối hợp với các sở ban ngành liên quan (Công an, Thông tin & Truyền thông,…) nhằm triển khai các biện pháp đồng bộ ngăn chặn hoạt động buôn bán hóa đơn của các đối tượng cung cấp dịch vụ hóa đơn trên không gian mạng.

4. Để công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua, bán cung cấp dịch vụ hóa đơn qua không gian mạng đạt hiệu quả, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế chủ động thu thập thông tin thông qua các trang mạng cung cấp dịch vụ bán hóa đơn trên không gian mạng, qua nghiệp vụ quản lý thuế trên địa bàn để nắm bắt các thông tin về các đối tượng có nghi vấn bán hóa đơn, qua tin báo, đơn tố cáo, phản ánh từ các đơn vị, cá nhân trong và ngoài địa bàn quản lý, qua khai thác thông tin do báo cáo chí, các trang mạng xã hội đưa tin để tổ chức rà soát, khai thác, nắm bắt thông tin, các dấu hiệu nghi vấn, đáng ngờ, đồng thời phối hợp chặt chẽ, chuyển thông tin đến các Cục Thuế có liên quan để triển khai thực hiện công tác quản lý thuế theo quy định nhằm ngăn chặn, phòng, chống tình trạng buôn bán hóa đơn trên không gian mạng.

5. Định kỳ trước ngày 15 của tháng cuối quý, Cục Thuế thực hiện báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán hóa đơn trên không gian mạng theo mẫu biểu quy định tại Phụ lục 02. Kết quả báo cáo cần thể hiện danh sách thông tin các đối tượng có rủi ro, nghi vấn mua và bán hóa đơn trên địa bàn quản lý đã khai thác được, kết quả thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, kết quả kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, kết quả chuyển cơ quan điều tra. Đồng thời, Cục Thuế thực hiện tổng hợp, báo cáo các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Về các quy định của pháp luật đối với hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử bất hợp pháp sẽ bị xử lý theo pháp luật, như sau:

1. Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ (Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)

– Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp:

+ Hóa đơn, chứng từ giả;

+ Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;

+ Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;

+ Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;

+ Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

+ Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

– Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

+ Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

+ Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

+ Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

+ Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

+ Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

+ Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

2. Hậu quả khi vi phạm quy định pháp luật

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như sau:

– Trường hợp phải xử phạt hành chính thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn (Điều 28 Nghị định số 125/2020/NÐ-CP). Trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn (Điều 17 Nghị định số 125/2020/NÐ-CP).

– Trường hợp trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply