Trong một số trường hợp vì lý do công việc, công ty tạm ứng cho người lao động một khoản tiền. Vậy nếu họ tư lợi số tiền này thì công ty có được khấu trừ tiền lương của người lao động vào đợt trả lương không?

Các bạn hãy theo dõi thông qua bài viết này nhé.

  1. Công ty có được khấu trừ tiền lương của người lao động nếu họ tự ý xài hết khoản tạm ứng không?

Khoản tạm ứng là một khoản tiền hoặc vật tư do doanh nghiệp giao cho người nhận tạm ứng để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hoặc giải quyết một công việc nào đó được phê duyệt. Người nhận tạm ứng phải là người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Đối với người nhận tạm ứng thường xuyên (thuộc các bộ phận cung ứng vật tư, quản trị, hành chính) phải được Giám đốc chỉ định bằng văn bản.

Bên cạnh đó, theo điểm c khoản 1 Điều 22 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định:

Điều 22. Tài khoản 141 – Tạm ứng

  1. Nguyên tắc kế toán

Người nhận tạm ứng (có tư cách cá nhân hay tập thể) phải chịu trách nhiệm với doanh nghiệp về số đã nhận tạm ứng và chỉ được sử dụng tạm ứng theo đúng mục đích và nội dung công việc đã được phê duyệt. Nếu số tiền nhận tạm ứng không sử dụng hoặc không sử dụng hết phải nộp lại quỹ. Người nhận tạm ứng không được chuyển số tiền tạm ứng cho người khác sử dụng.

Khi hoàn thành, kết thúc công việc được giao, người nhận tạm ứng phải lập bảng thanh toán tạm ứng (kèm theo chứng từ gốc) để thanh toán toàn bộ, dứt điểm (theo từng lần, từng khoản) số tạm ứng đã nhận, số tạm ứng đã sử dụng và khoản chênh lệch giữa số đã nhận tạm ứng với số đã sử dụng (nếu có). Khoản tạm ứng sử dụng không hết nếu không nộp lại quỹ thì phải tính trừ vào lương của người nhận tạm ứng. Trường hợp chi quá số nhận tạm ứng thì doanh nghiệp sẽ chi bổ sung số còn thiếu.

Theo quy định nêu trên và quy định tại khoản 1 Điều 102 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp người lao động tự ý sử dụng khoản tạm ứng của công ty vào mục đích cá nhân có thể bị xác định là có hành vi gây thiệt hại về tài sản của công ty. Do đó, công ty có quyền khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại.

Lưu ý: Kế toán phải mở sổ kế toán chi tiết theo dõi cho từng người nhận tạm ứng và ghi chép đầy đủ tình hình nhận, thanh toán tạm ứng theo từng lần tạm ứng; và phải thanh toán dứt điểm khoản tạm ứng kỳ trước mới được nhận tạm ứng kỳ sau.

  1. Các nguyên tắc khi khấu trừ lương của người lao động

Theo Điều 102 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc khấu trừ tiền lương của người lao động như sau:

– Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

Nếu người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương.

– Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

– Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Lưu ý: Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

  1. Nếu công ty khấu trừ tiền lương người lao động không đúng quy định pháp luật thì bị xử phạt như thế nào?

Ngoài những trường hợp được khấu trừ tiền lương nếu trên, nếu công ty khấu trừ tiền lương không đúng quy định pháp luật thì sẽ bị phạt tiền theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

– Đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động: Từ 05 triệu đến 10 triệu đồng;

– Đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động: Từ 10 triệu đến 20 triệu đồng;

– Đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động: Từ 20 triệu đến 30 triệu đồng;

– Đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động: Từ 30 triệu đến 40 triệu đồng;

– Đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên: Từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, nếu công ty khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định thì có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply