Quy trình cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản thực hiện như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Ngày 11/11/2022, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 1795/QĐ-TCT về việc ban hành Quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ.

  1. Áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản

Căn cứ Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 1795/QĐ-TCT, biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế (NNT) mở tại Kho bạc Nhà nước (KBNN), Ngân hàng Thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng (TCTD) khác áp dụng đối với NNT có tài khoản tại KBNN, NHTM, TCTD khác.

Trường hợp NNT là doanh nghiệp, tổ chức nhưng CSDL tại cơ quan thuế không có thông tin về tài khoản hoặc thông tin về tài khoản không chính xác thì cơ quan thuế phải thực hiện xác minh thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế.

  1. Quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản của NNT

Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 1795/QĐ-TCT quy định về việc cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong toả tài khoản của NNT áp dụng đối với NNT có tài khoản tại KBNN, NHTM, TCTD khác như sau:

2.1 Lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế

* Cơ sở để lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế

– NNT có tiền thuế nợ quá 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định mà cơ quan thuế chưa thực hiện cưỡng chế.

– NNT có khoản nợ được gia hạn nhưng còn dưới 30 ngày thì hết thời gian gia hạn.

– Tổ chức bảo lãnh nộp tiền thuế cho người nộp thuế quá thời hạn quy định 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp tiền thuế ghi trên quyết định nộp dần tiền thuế nợ của cơ quan thuế mà người nộp thuế hoặc tổ chức bảo lãnh chưa nộp đủ vào NSNN.

– NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt.

Bộ phận chủ trì tham mưu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế có trách nhiệm cung cấp các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế cho bộ phận CCNT ngay trong ngày ban hành quyết định (có thể cung cấp bản giấy hoặc bản điện tử).

– NNT đang bị cơ quan thuế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau:

+ Ngừng sử dụng hóa đơn;

+ Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên;

+ Thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ;

+ Hoặc NNT đang trong thời gian bị cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành quyết định thu hồi.

– NNT có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

* Lập danh sách

– Hằng tháng, công chức thực hiện rà soát CSDL của cơ quan thuế và các văn bản, tài liệu do các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp để cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản (Mẫu số 01-1/DS-TK ban hành kèm theo Quyết định 1795/QĐ-TCT).

– Căn cứ danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (Mẫu số 01-1/DS-TK), bộ phận cưỡng chế nợ thuế có thể phối hợp với bộ phận thanh tra – kiểm tra, bộ phận quản lý các khoản thu về đất và các bộ phận có liên quan để rà soát, xác định chính xác số tiền thuế nợ của NNT.

2.2 Thu thập và xác minh thông tin của NNT chuẩn bị cưỡng chế

* Rà soát thông tin về tài khoản của NNT để chuẩn bị cưỡng chế

Căn cứ danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (Mẫu số 01-1/DS-TK), công chức thực hiện rà soát thông tin về tài khoản của NNT để chuẩn bị cưỡng chế:

– Trường hợp tại cơ quan thuế có đầy đủ thông tin về một hoặc một số tài khoản của NNT mở tại KBNN, NHTM, TCTD khác thì NNT được chuyển sang danh sách phải áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản (Mẫu số 01-2/DS-TK ban hành kèm theo Quyết định 1795/QĐ-TCT).

– Trường hợp NNT là doanh nghiệp, tổ chức mà trên CSDL tại cơ quan thuế không có thông tin về tài khoản của NNT hoặc thông tin về tài khoản của NNT không chính xác thì công chức dự thảo và báo cáo lãnh đạo phòng/đội để trình Thủ trưởng cơ quan thuế hoặc cấp phó được phân công phụ trách công tác quản lý nợ và CCNT ban hành văn bản yêu cầu NNT, KBNN, NHTM, TCTD khác cung cấp thông tin (Mẫu số 01-1/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP).

– Đối với NNT là cá nhân: Cơ quan thuế có thể thực hiện xác minh thông tin về tài khoản của NNT nếu thấy cần thiết.

* Các thông tin cần thu thập, xác minh

– Các tài khoản mở tại KBNN, NHTM, TCTD khác: nơi mở, số tài khoản;

– Số dư trong tài khoản, thông tin khác có liên quan đến tài khoản và giao dịch qua tài khoản (nếu cần thiết).

Chậm nhất trong ngày làm việc tiếp theo ngày nhận được thông tin cung cấp từ các tổ chức/cá nhân, công chức phải cập nhật thông tin vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 01-1/DS-TK).

Trường hợp các thông tin về tài khoản ngân hàng thu thập được chưa cập nhật trong ứng dụng quản lý thuế thì bộ phận CCNT chuyển thông tin cho bộ phận chức năng để cập nhật trên ứng dụng quản lý thuế.

2.3 Lập danh sách NNT phải cưỡng chế

– Trên cơ sở danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (Mẫu số 01-1/DS-TK) và các thông tin đã thu thập, xác minh, công chức lập danh sách NNT phải áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản (Mẫu số 01-2/DS-TK).

– Sau thời hạn yêu cầu cung cấp thông tin mà người có trách nhiệm cung cấp thông tin không cung cấp hoặc cung cấp thông tin xác định NNT không có tài khoản thì công chức thực hiện tổng hợp NNT vào danh sách áp dụng biện pháp cưỡng chế khác phù hợp theo quy định.

2.4 Ban hành quyết định cưỡng chế

* Căn cứ vào danh sách NNT phải cưỡng chế (Mẫu số 01-2/DS-TK), công chức thực hiện:

(i) Dự thảo QĐCC (mẫu số 01/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Lệnh thu NSNN), kèm theo các hồ sơ:

– Tờ trình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, nêu rõ diễn biến quá trình đôn đốc NNT;

– Thông báo tiền thuế nợ (Mẫu số 01/TTN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC) tại thời điểm gần nhất hoặc các quyết định hành chính về thuế khác;

– Văn bản xác minh thông tin (nếu có);

– Văn bản cung cấp thông tin của NNT hoặc của các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có);

– Tài liệu chứng minh NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn (nếu có))

– Văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Trường hợp NNT có mở tài khoản tại nhiều TCTD, KBNN khác nhau thì công chức trình Thủ trưởng cơ quan thuế dự thảo QĐCC trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản.

Trường hợp cần thiết phải phong tỏa đối với các tài khoản còn lại của NNT thì công chức đồng thời dự thảo quyết định yêu cầu TCTD, KBNN phong tỏa tài khoản của NNT (số tiền bị phong tỏa tương ứng với số tiền bị cưỡng chế).

(ii) Báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế để ký, ban hành QĐCC.

* Sau khi nhận được dự thảo QĐCC, lệnh thu ngân sách nhà nước kèm theo hồ sơ đầy đủ, Thủ trưởng cơ quan thuế ký và ban hành QĐCC đảm bảo đúng thời điểm theo quy định:

– Sau ngày thứ 90 kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế hoặc hết thời hạn nộp dần tiền thuế nợ;

– Ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế;

– Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế);

– Ngay trong ngày nhận được đầy đủ thông tin, tài liệu về việc người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn;

– Ngay sau ngày có thông tin, điều kiện để thực hiện đồng thời biện pháp cưỡng chế này.

2.5 Gửi và công khai quyết định cưỡng chế

– Quyết định cưỡng chế kèm theo Lệnh thu ngân sách nhà nước được gửi cho NNT bị cưỡng chế, KBNN, NHTM, TCTD khác nơi NNT bị cưỡng chế mở tài khoản ngay trong ngày ban hành QĐCC.

Hình thức gửi thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 31 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

– Cơ quan thuế có trách nhiệm đăng tải thông tin về NNT bị cưỡng chế lên trang thông tin điện tử ngành thuế như sau:

+ Trường hợp thực hiện ký điện tử QDCC thì hệ thống ứng dụng quản lý thuế tự động công khai các thông tin theo Mẫu số 01/CKCC ban hành kèm theo Quyết định 1795/QĐ-TCT.

+ Trường hợp không thực hiện ký điện tử QĐCC, công chức thực hiện nhập thông tin trên QĐCC vào hệ thống để công khai.

2.6 Tổ chức thực hiện

Trong thời gian QĐCC có hiệu lực, công chức thực hiện theo dõi việc thi hành QĐCC, cụ thể như sau:

– Ngay trong ngày làm việc nhận được thông tin về việc NNT đã nộp hết số tiền thuế nợ ghi trên QĐCC; hoặc NHTM, KBNN, TCTD khác đã trích đủ số tiền trên QĐCC vào NSNN; hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp thì:

Công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế (Mẫu số 08/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP) gửi cho NNT, KBNN, NHTM, TCTD khác để chấm dứt thực hiện cưỡng chế.

Khi NNT đã nộp hết số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN, trường hợp ứng dụng quản lý thuế chưa cập nhật kịp thời số tiền đã nộp của NNT thì cơ quan thuế căn cứ vào một trong các chứng từ sau để chấm dứt hiệu lực của QĐCC:

+ Chứng từ nộp có xác nhận của KBNN, TCTD hoặc tổ chức được phép ủy nhiệm thu thuế;

+ Chứng từ điện tử nộp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

– Trường hợp hết hiệu lực của QĐCC mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN thì công chức thực hiện biện pháp cưỡng chế khác phù hợp.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply