Giai đoạn trước khi sử dụng HĐĐT theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, khi bán hàng hóa phải sử dụng hóa đơn thương mại làm căn cứ để khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào.
Tuy nhiên, từ khi áp dụng HĐĐT theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và thông tư 78/2021/TT-BTC, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu phải xuất hóa đơn điện tử theo quy định, giống như xuất hóa đơn bán hàng thông thường.
Vậy Nghị định 123/2020 quy định như thế nào về việc xuất hóa đơn khi xuất khẩu, các bạn hãy tham khảo bài viết sau đây nhé.
1. Loại hóa đơn sử dụng trong xuất khẩu
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về loại hóa đơn như sau:
Điều 8. Loại hóa đơn
Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
b) Hoạt động vận tải quốc tế;
c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
2. Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
a) Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
– Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
– Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
b) Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
=> Theo đó, trong hoạt động xuất khẩu cóa hai loại hóa đơn được sử dụng như sau:
+ Hóa đơn GTGT: áp dụng đối với tổ chức kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
+ Hóa đơn bán hàng: áp dụng đối với tổ chức kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
2. Thời điểm xuất hóa đơn điện tử hàng hóa xuất khẩu là khi nào?
Theo quy định khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn cụ thể như sau:
Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
…..
3. Quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý như sau:
b) Trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa:
– Khi xuất hàng giao cho cơ sở nhận ủy thác, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
– Khi hàng hóa đã thực xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan, căn cứ vào các chứng từ đối chiếu, xác nhận về số lượng, giá trị hàng hóa thực tế xuất khẩu của cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu, cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu lập hóa đơn điện tử giá trị gia tăng để kê khai nộp thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc hóa đơn điện tử bán hàng. Cơ sở nhận ủy thác xuất khẩu sử dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng hoặc hóa đơn điện tử bán hàng để xuất cho khách hàng nước ngoài.
c) Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử.
Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên, quy định trên chưa hướng dẫn đối với tổ chức áp dụng hóa đơn bán hàng. Vậy trường hợp sử dụng hóa đơn bán hàng thì thời điểm xuất hóa đơn là khi nào? Các bạn hãy tham khảo công văn số 8404/BTC-TCT của Bộ Tài chính ngày 23/08/2022 hướng dẫn:
Từ 01/07/2022, thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, theo đó, hóa đơn bán hàng điện tử là hóa đơn dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan, tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động, trong đó, có xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài. Việc lập hóa đơn điện tử đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhằm mục đích chuyển dữ liệu doanh thu xuất khẩu cho cơ quan thuế để thực hiện việc quản lý.
Về trường hợp Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất có thực hiện xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài thì thống nhất với đề xuất xử lý của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh tại công văn số 1495/CTBNI-TTHT ngày 11/5/2022: Từ ngày 01/7/2022, thời điểm lập hóa đơn điện tử khi doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu sản phẩm và trường hợp xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
Với các quy định và văn bản hướng dẫn trên thì trên thời điểm xuất hóa đơn điện tử hàng hóa xuất khẩu được xác định như sau:
(1) Ủy thác xuất khẩu hàng hóa:
Thời điểm xuất hóa đơn điện tử là thời điểm hàng hóa đã thực xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan.
(2) Xuất khẩu hàng hóa:
– Sử dụng hóa đơn GTGT: Thời điểm xuất hóa đơn điện tử là thời điểm khi người khai hải quan hoàn tất thủ tục hải quan xuất khẩu.
– Sử dụng hóa đơn bán hàng: Thời điểm xuất hóa đơn điện tử là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: