Các lỗi về hóa đơn mà cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định gồm các lỗi nào? Cùng tìm hiểu về lỗi hóa đơn không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào nhé.
- Các lỗi về hóa đơn không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Căn cứ theo Khoản 15 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, các lỗi về hóa đơn mà các doanh nghiệp/ tổ chức, cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào, bao gồm:
– Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng theo quy định của pháp luật về hóa đơn không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế);
– Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các nội dung như tên, địa chỉ, MST của người bán nên không xác định được người bán;
– Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các nội dung như tên, địa chỉ, MST của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại Khoản 12 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC).
– Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả hoặc hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ đi kèm);
– Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ trao đổi hoặc mua bán.
- Hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử có sai sót
Theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp đã chuyển đổi hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP phát hiện có sai sót. Thì doanh nghiệp thực hiện theo quy trình sau:
– Lập Biên bản giữa người mua và người bán về nội dung có sai sót;
– Lập Mẫu 04/SS-HĐ ĐT gửi cơ quan thuế;
– Lập hóa đơn điện tử mới theo quy định tại Nghị định 123 thay thế cho hóa đơn cũ bị sai sót.
Lưu ý: Các trường hợp cần sử dụng mẫu 04/SS-HĐĐT
– Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế lập đã được cấp mã và chưa gửi cho người mua mà người bán phát hiện có sai sót;
– Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã lập, đã được cấp mã mà người bán hoặc người mua phát hiện có sai sót về tên, địa chỉ người mua;
– Cơ quan thuế rà soát phát hiện hóa đơn điện tử có mã sai sót.
Các hóa đơn điện tử có mã bị sai sót mà doanh nghiệp lựa chọn điều chỉnh hoặc thay thế thì doanh nghiệp không phải gửi mẫu số 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế.
- Hướng dẫn khấu trừ thuế GTGT với một số trường hợp cụ thể
Theo khoản 4 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, hướng dẫn khấu trừ thuế GTGT trong một số trường hợp cụ thể như sau:
Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung có sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT qua các khâu để sản xuất ra sản phẩm chịu thuế thì số thuế GTGT đầu vào tại các khâu được khấu trừ toàn bộ.
Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh có dự án đầu tư thực hiện theo nhiều giai đoạn, bao gồm cả cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập, có phương án sản xuất, kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung và sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT để sản xuất ra sản phẩm chịu thuế GTGT nhưng trong giai đoạn đầu tư, xây dựng cơ bản có cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, thì:
– Số thuế GTGT đầu vào trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định được khấu trừ toàn bộ;
– Tổ chức, đơn vị phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào không sử dụng cho đầu tư tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT để kê khai khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh số chịu thuế GTGT so với tổng doanh số bán ra.
Đối với đơn vị kinh doanh có dự án đầu tư để tiếp tục sản xuất, chế biến và có văn bản cam kết tiếp tục sản xuất sản phẩm chịu thuế GTGT thì được kê khai, khấu trừ thuế GTGT ngay từ giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện điều chỉnh, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện ra thì cơ quan thuế sẽ thực hiện truy thu, truy hoàn và xử phạt theo quy định. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về các nội dung đã báo cáo và cam kết giải trình với cơ quan thuế liên quan đến việc khấu trừ, hoàn thuế.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: