Freelancer là những người được trả tiền để thực hiện công việc của khách hàng, hợp đồng thường diễn ra trong thời gian ngắn hạn, có thể trong vài ngày hoặc kéo dài hơn một tháng.

1. Khái niệm Freelancer

Freelancer được hiểu là những người làm việc một cách tự do, tự quản, không bị ràng buộc về quy củ, môi trường, địa điểm và thời gian làm việc. Các Freelancer được phép làm việc cho nhiều khách hàng cùng một lúc, miễn sao đáp ứng được các yêu cầu mà khách hàng đặt ra.

Do bản chất của Freelancer là nhận tiền để thực hiện các nhiệm vụ cho các chủ dự án, khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định mà không phải chịu ràng buộc, giám sát, quản lý điều hành của người đó nên sẽ không ký kết hợp đồng lao động theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019. Thay vào đó, các Freelancer sẽ ký kết hợp đồng dịch vụ để ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa các bên về công việc cần thực hiện.

Tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ như sau:

Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Với hợp đồng dịch vụ, các Freelancer có thể thực hiện công việc được giao một cách tự do và thực hiện bàn giao cho bên giao dịch vụ sau khi đã hoàn thành để nhận tiền cung cấp dịch vụ.

Đối tượng của hợp đồng này là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đó, một bên có trách nhiệm thực hiện công việc, một bên có trách nhiệm trả tiền.

2. Làm việc freelance thì có phải ký hợp đồng lao động?

Freelance là một hình thức làm việc tự do, không ràng buộc phải làm việc cho bất kỳ một công ty hay tổ chức nhất định.

Bản chất của freelancer là nhận tiền để thực hiện các nhiệm vụ cho các chủ dự án, khách hàng, những người sử dụng lao động tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không phải chịu ràng buộc, giám sát, quản lý, điều hành của người đó.

Trong khi đó, theo khoản 1, Điều 13, Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa các bên về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Dù mang tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.

Nếu ký hợp đồng lao động, người lao động buộc phải tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động, chấp hành nội quy lao động mà người sử dụng lao động đề ra.

Điều này hoàn toàn không phù hợp với bản chất của công việc freelancer. Do đó, các bên sẽ không ký hợp đồng lao động mà phải ký một loại hợp đồng khác để đảm bảo quyền lợi cho mình.

3. Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho Freelancer

Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động nhận tiền thù lao dưới một trong các hình thức sau đây có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên sẽ phải trích 10% thù lao để đóng thuế thu nhập cá nhân:

– Tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới;

– Tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật;

– Tiền tham gia các dự án, đề án;

– Tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút;

– Tiền tham gia các hoạt động giảng dạy;

– Tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao;

– Tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác;

– Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác có trách nhiệm khấu trừ thuế trước khi trả thù lao cho cá nhân nêu trên.

Lưu ý:

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết theo Mẫu 08/CK-TNCN. Sau đó, gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply