Một số trường hợp, các thành viên/cổ đông không góp đủ số vốn đã cam kết trong thời hạn quy định. Vậy nếu không góp đủ vốn điều lệ có bị phạt không?

  1. Không góp đủ vốn điều lệ có bị phạt không?

Khi hết thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn nhưng doanh nghiệp không điều chỉnh vốn điều lệ sẽ bị phạt từ 30 – 50 triệu đồng và buộc phải điều chỉnh vốn (điểm a khoản 3, điểm b khoản 5 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 yêu cầu thành viên/chủ sở hữu/cổ đông công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty TNHH 1 thành viên, công ty cổ phần phải góp đủ vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ theo thời hạn nêu trên thì phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Nếu hết thời hạn nêu trên, công ty vẫn không thực hiện thay đổi vốn điều lệ thì sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 3, điểm b khoản 5 Điều 46 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP:

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

b) Buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

2. Xử lý khi không góp đủ vốn điều lệ thế nào?

Tùy vào loại hình doanh nghiệp sẽ có cách xử lý khi không góp đủ vốn điều lệ như sau:

Loại hình Cách xử lý
Công ty TNHH 2 thành viên (khoản 3 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020) Sau 90 ngày, nếu không góp đủ vốn, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, cụ thể:

+ Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

+ Nếu chưa chào bán hết, phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp.

Công ty TNHH 1 thành viên (Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020) Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty phải: Đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp thực tế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Công ty cổ phần (Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020) – Sau 90 ngày, nếu chưa góp đủ vốn, cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này.

Công ty hợp danh (Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020) – Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.

– Riêng đối với thành viên góp vốn công ty hợp danh, trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên

  1. Thủ tục thay đổi vốn điều lệ cho doanh nghiệp

* Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Hồ sơ bao gồm:

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

– Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi vốn điều lệ;

– Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

* Trình tự thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ

Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Bước 3: Nhận kết quả

* Thời hạn giải quyết: 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

* Lệ phí giải quyết: Miễn phí (theo Thông tư 47/2019/TT-BTC).

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply