Cho tôi hỏi trong trường hợp nhà xa công ty thì có thể yêu cầu khoản phụ cấp xăng xe hay không? Nếu công ty chịu chi trả thì khoản phụ cấp đó có phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay không?
1. Công ty có buộc phải trả phụ cấp xăng xe cho người lao động hay không?
Hợp đồng lao động được quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
…
Bên cạnh đó, tiền lương của người lao động cũng được quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Tiền lương
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
…
Ngoài ra, chế đội trợ cấp, phụ cấp đối với người lao động được quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp
Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Theo đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa 02 bên là người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động có quyền thỏa thuận về mức tiền lương và các khoản phụ cấp mà mình được nhận để đảm bảo công việc (kể cả phụ cấp xăng xe).
Phụ cấp xăng xe sẽ được tính vào trong tiền lương mà người lao động nhận được theo thỏa thuận hợp đồng.
Như vậy, có thể hiểu là không bắt buộc công ty phải trả phụ cấp xăng xe cho người lao động trong trường hợp nhà xa công ty.
Khoản phụ cấp xăng xe chỉ được trả khi 02 bên đã có thỏa thuận trước khi ký hợp đồng lao động hoặc có sự điều chỉnh bổ sung khoản phụ cấp từ phía công ty vào hợp đồng lao động.
2. Người lao động có phải đóng thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền phụ cấp xăng xe nhận được hay không?
Theo điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định về các khoản trợ cấp, phụ cấp có tính chất là tiền lương, tiền công thuộc các khoản tiền chịu thuế thu nhập cá nhân như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế
…
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
b.2) Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
b.7) Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.
b.8) Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.
b.9) Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
b.10) Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
b.11) Phụ cấp đặc thù ngành nghề.
…
Theo đó có thể thấy khoản phụ cấp xăng xe không thuộc khoản thu nhập được miễn thuế.
Như vậy, tiền phụ cấp xăng xe mà người lao động nhận được phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
3. Tiền phụ cấp xăng xe có được dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội hay không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/202/TT-BLĐTBXH) như sau:
3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH
Như vậy, khoản hỗ trợ tiền phụ cấp xăng xe không tính vào tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau: