Doanh nghiệp, đơn vị sử dụng hóa đơn giấy hay hóa đơn điện tử đều sẽ phải lưu trữ theo quy định của Pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Vậy, sử dụng hóa đơn điện tử thì doanh nghiệp cần lưu trữ trong bao lâu? Hóa đơn điện tử phải tuân thủ những điều kiện lưu trữ nào?

  1. Thời hạn lưu trữ hóa đơn điện tử

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 11, Nghị định 119/2018/NĐ-CP nêu rõ:

“3. Lưu trữ hóa đơn điện tử phải đảm bảo:

a) Tính an toàn bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ;

b) Lưu trữ đúng và đủ thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán;

c) In được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.”

Như vậy, hóa đơn điện tử được lưu trữ đúng đủ thời hạn theo quy định của luật kế toán.

Việc lưu trữ, bảo quản tài liệu kế toán được quy định tại Điều 41 Luật Kế toán 2015 như sau:

“Điều 41. Bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán

  1. Tài liệu kế toán phải được đơn vị kế toán bảo quản đầy đủ, an toàn trong quá trình sử dụng và lưu trữ.
  2. Trường hợp tài liệu kế toán bị tạm giữ, bị tịch thu thì phải có biên bản kèm theo bản sao chụp tài liệu kế toán đó; nếu tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại thì phải có biên bản kèm theo bản sao chụp tài liệu hoặc bản xác nhận.
  3. Tài liệu kế toán phải đưa vào lưu trữ trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm hoặc kết thúc công việc kế toán.
  4. Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán chịu trách nhiệm tổ chức bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán.
  5. Tài liệu kế toán phải được lưu trữ theo thời hạn sau đây:
  6. a) Ít nhất là 05 năm đối với tài liệu kế toán dùng cho quản lý, điều hành của đơn vị kế toán, gồm cả chứng từ kế toán không sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính;
  7. b) Ít nhất là 10 năm đối với chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính, sổ kế toán và báo cáo tài chính năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  8. c) Lưu trữ vĩnh viễn đối với tài liệu kế toán có tính sử liệu, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng.
  9. Chính phủ quy định cụ thể từng loại tài liệu kế toán phải lưu trữ, thời hạn lưu trữ, thời điểm tính thời hạn lưu trữ quy định tại khoản 5 Điều này, nơi lưu trữ và thủ tục tiêu hủy tài liệu kế toán lưu trữ.”

Mà theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Kế toán 2015 có quy định về tài liệu kế toán như sau:

“18. Tài liệu kế toán là chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo kiểm toán, báo cáo kiểm tra kế toán và tài liệu khác có liên quan đến kế toán.”

Như vậy, hóa đơn được hiểu một loại chứng từ kế toán, có thời hạn lưu trữ tối thiểu là 10 năm, không phân biệt loại hóa đơn.

  1. Yêu cầu lưu trữ hóa đơn điện tử

Căn cứ khoản 3 Điều 11 Nghị định 119/2018/NĐ-CP, để đảm bảo tính hợp pháp cho việc lưu trữ hóa đơn điện tử nói chung và thời hạn lưu trữ hóa đơn điện tử nói riêng, các hóa đơn điện tử khi lưu trữ phải đáp ứng đầy đủ 03 yêu cầu sau:

Một là, hóa đơn điện tử trong suốt thời gian lưu trữ phải đảm bảo tính an toàn bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi hay sai lệch;

Hai là, hóa đơn điện tử khi lưu trữ phải đảm bảo đúng và đủ thời gian theo quy định của pháp luật kế toán;

Ba là, hóa đơn điện tử khi lưu trữ được phép in ra giấy và đảm bảo có thể tra cứu khi được yêu cầu.

Chỉ khi đáp ứng các điều kiện quy định trên thì hóa đơn điện tử lưu trữ mới đảm bảo hợp pháp.

  1. Hóa đơn sau khi hết thời hạn lưu trữ có được tiêu hủy hay không?

Căn cứ Điều 16 Nghị định 174/2016/NĐ-CP có quy định về việc tiêu hủy tài liệu kế toán như sau:

“Điều 16. Tiêu hủy tài liệu kế toán

  1. Tài liệu kế toán đã hết thời hạn lưu trữ nếu không có chỉ định nào khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được phép tiêu hủy theo quyết định của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.
  2. Tài liệu kế toán lưu trữ của đơn vị kế toán nào thì đơn vị kế toán đó thực hiện tiêu hủy.
  3. Tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi đơn vị kế toán để lựa chọn hình thức tiêu hủy tài liệu kế toán cho phù hợp như đốt cháy, cắt, xé nhỏ hoặc hình thức tiêu hủy khác, đảm bảo tài liệu kế toán đã tiêu hủy sẽ không thể sử dụng lại các thông tin, số liệu trên đó.”

Theo đó, trường hợp tài liệu kế toán là hóa đơn đã hết thời hạn lưu trữ nếu không có chỉ định nào khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được phép tiêu hủy theo quyết định của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply