Trong kỳ kế toán của doanh nghiệp, có thể phát sinh một số nghiệp vụ làm giảm trừ doanh thu từ hoạt động bán hàng hóa, sản phẩm và cung ứng dịch vụ. Vậy khoản giảm trừ doanh thu là gì?

  1. Khái niệm các khoản giảm trừ doanh thu

Khoản giảm trừ doanh thu là các khoản phát sinh được điều chỉnh làm giảm doanh thu của doanh nghiệp trong kỳ kế toán. Doanh nghiệp sẽ áp dụng các phương pháp giảm trừ doanh thu khác nhau tùy theo từng chế độ kế toán.

Các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm:

  • Chiết khấu thương mại: Là khoản mà doanh nghiệp bán giảm giá hàng hóa, sản phẩm cho khách mua với số lượng lớn.
  • Giảm giá hàng bán: Là khoản mà doanh nghiệp bán giảm giá cho khách hàng khi khách hàng mua hàng hóa, thành phẩm nhưng lại hàng hóa đó lại kém phẩm chất hay không đáp ứng đủ điều kiện chất lượng như trong hợp đồng đã ký giữa 2 bên.
  • Hàng bán bị trả lại: Là số hàng hóa, thành phẩm bị kém chất lượng, chủng loại,… bị khách mua trả lại cho doanh nghiệp.

Lưu ý: Các khoản thuế gián thu như Thuế xuất khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế giá trị gia tăng đầu ra phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp… theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 133/2015/TT-BTC sẽ loại trừ khỏi doanh thu gộp khi lập Báo cáo tài chính nhưng không ghi nhận vào các khoản giảm trừ doanh thu. Tuy nhiên theo phụ lục 03-1A/TNDN khi lập Quyết toán thuế TNDN nếu khoản này không tách được ngay khi ghi nhận doanh thu mà ghi nhận vào doanh thu gộp, sau đó định kỳ ghi giảm doanh thu thì sẽ được kê khai tại khoản d, mục 2 (mã chỉ tiêu 07) của phụ lục này.

  1. Hạch toán giảm trừ doanh thu

Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC, để hạch toán khoản giảm trừ doanh thu, tài khoản 521 có 3 tài khoản cấp 2 bao gồm:

  • TK 5211 – Chiết khấu thương mại (CKTM).
  • TK 5212 – Hàng bán bị trả lại.
  • TK 5213 – Giảm giá hàng bán.

Kết cấu tài khoản 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu:

– Bên Nợ:

  • Số tiền chiết khấu thương mại doanh nghiệp thanh toán cho khách hàng.
  • Số lượng giảm giá hàng hóa bán doanh nghiệp chấp thuận cho người mua hàng.
  • Doanh thu của hàng hóa bán bị trả lại mà doanh nghiệp đã trả lại tiền cho người mua hoặc trừ vào khoản phải thu khách hàng về sản phẩm, hàng hóa đã bán.

– Bên Có:

  • Kết chuyển toàn bộ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, doanh thu của hàng hóa bán bị khách hàng trả lại sang tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ để xác định doanh.

– Tài khoản 521 không có số dư cuối kỳ.

  1. Cách hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu chủ yếu

3.1 Hạch toán các khoản chiết khấu thương mại

– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

Nợ TK 5211: CKTM cho khách hàng hưởng.

Nợ TK 3331: Thuế GTGT phải nộp đã ghi nhận nay ghi giảm.

Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị chiết khấu cho khách.

– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:

Nợ TK 5211: CKTM cho khách hàng hưởng.

Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị chiết khấu cho khách.

3.2 Hạch toán các khoản giảm giá hàng bán phát sinh trong kỳ

– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

Nợ TK 5213: giá trị hàng giảm cho khách hàng.

Nợ TK 3331: Thuế GTGT phải nộp đã ghi nhận nay ghi giảm.

Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị hàng giảm cho khách hàng

– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:

Nợ TK 5213: giá trị hàng giảm cho khách hàng.

Có TK 111, 112, 131: Tổng giá trị giảm cho khách hàng.

3.3 Hạch toán khoản hàng đã bán mà khách hàng trả lại

3.3.1 Phản ánh khoản doanh thu của hàng bán bị trả lại

– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

Nợ TK 5212: doanh thu của số hàng bị trả lại ghi nhận giảm.

Nợ TK 3331: Thuế GTGT phải nộp đã ghi nhận nay ghi giảm.

Có TK 111, 112, 131: Tổng doanh thu bao gồm cả thuế ghi nhận giảm.

– Trường hợp: Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:

Nợ TK 5212: doanh thu của số hàng bị trả lại ghi nhận giảm.

Có TK 111, 112, 131: Tổng doanh thu bao gồm cả thuế ghi nhận giảm

3.3.2 Phản ánh giá trị hàng nhập lại kho và ghi giảm giá vốn của hàng nhập lại kho

Nợ TK 156: giá trị hàng bị trả lại nhập kho.

Có TK 632: giá vốn hàng bị trả lại ghi nhận giảm.

3.4 Bút toán kết chuyển cuối kỳ khoản giảm trừ doanh thu bán hàng

Cuối kỳ kế toán, kế toán thực hiện bút toán kết chuyển các khoản giảm trừ trên doanh thu cho người mua hàng ở các bút toán 3.1, 3.2 và 3.3 sang bên Nợ TK 511 để tính doanh thu thuần.

Nợ TK 511: Các khoản giảm trừ làm doanh thu giảm.

Có TK 5211: CKTM làm doanh thu giảm.

Có TK 5213: GGHB làm doanh thu giảm.

Có TK 5212: HBBTL làm doanh thu giảm.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply