Các khoản thu nhập có được nhờ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ… phải chịu thuế TNCN theo quy định của pháp luật hiện hành. Vậy thuế TNCN từ chứng khoán được tính như thế nào?

  1. Căn cứ pháp lý

Căn cứ pháp lý để tính thuế TNCN từ chứng khoán được quy định tại:

Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 số 71/2014/QH13

Nghị định 12/2015/NĐ-CP

Thông tư 92/2015/TT-BTC

Thông tư 111/2013/TT-BTC

Thông tư 25/2018/TT-BTC

  1. Chứng khoán là gì?

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 4, Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán là tài sản, bao gồm:

+ Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ.

+ Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký.

+ Chứng khoán phái sinh.

+ Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Như vậy, có thể hiểu chuyển nhượng chứng khoán là việc mua, bán giao dịch các loại tài sản kể trên cho những đối tượng có nhu cầu.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 3, Luật Thuế Thu nhập cá nhân năm 2007, thu nhập từ chuyển nhượng vốn phải chịu thuế TNCN bao gồm:

+ Thu nhập chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế.

+ Thu nhập chuyển nhượng chứng khoán.

+ Thu nhập chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

Như vậy, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là một trong những loại thu nhập chuyển nhượng vốn chịu thuế TNCN.

  1. Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán

Tại Điều 16, Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điểm a và Điểm b, Khoản 2, Điều 11, Thông tư số 111/2013/TT-BTC có quy định: Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

+ Đối với cá nhân cư trú:

Thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần x Thuế suất 0,1%

Trong đó:

Giá chuyển nhượng chứng khoán có thể xác định như sau:

Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá chuyển nhượng chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện được xác định trên cơ sở kết quả khớp lệnh hoặc hình thành do các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.

Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp trên, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá trên sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng trước thời điểm chuyển nhượng khi lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán.

+ Đối với cá nhân không cư trú:

Thuế TNCN phải nộp = Tổng số tiền nhận được từ chuyển nhượng chứng khoán tại các tổ chức, cá nhân VN x Thuế suất 0,1%

Trong đó:

Tổng số tiền cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng chứng khoán tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam là giá chuyển nhượng chứng khoán (không trừ khoản chi phí nào kể cả giá chứng khoán).

+ Đối với trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu:

Cá nhân không phải nộp thuế TNCN khi nhận cổ phiếu nếu nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng số cổ phiếu này, cá nhân phải nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Theo đó:

Thuế TNCN phải nộp = Giá trị cổ tức ghi trên sổ sách kế toán hoặc số lượng cổ phiếu thực nhận x Mệnh giá của cổ phiếu đó x Thuế suất 0,1%

Trường hợp giá chuyển nhượng cổ phiếu nhận thay cổ tức thấp hơn mệnh giá thì thuế TNCN đối với hoạt động đầu tư vốn được tính theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.

Sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nếu cá nhân chuyển nhượng chính loại cổ phiếu đó thì cần kê khai và nộp thuế TNCN đối với cổ tức nhận bằng cổ phiếu cho đến khi hết số cổ phiếu nhận thay cổ tức.

  1. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán

Xác định thời điểm thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán như sau:

+ Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán là khi người nộp thuế nhận thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

+ Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền sở hữu của Trung tâm lưu ký chứng khoán là thời điểm chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.

+ Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp trên là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán.

+ Đối với việc góp vốn bằng chứng khoán, chưa phải nộp thuế khi góp vốn thì thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán từ việc góp vốn được xác định căn cứ vào thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Như vậy, bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc cách tính thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán. Các trường hợp cá nhân có thu nhập từ chứng khoán cần lưu ý các nội dung này để tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về thuế TNCN.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply