Để có thể kiểm tra hóa đơn điện tử hợp lệ, nghiệp vụ tra cứu hóa đơn là một trong những nghiệp vụ cần thiết. Vậy các tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu động trên thị trường được quy định như thế nào?

Tại Điều 45 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:

Tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường

  1. Khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy. Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử.
  2. Trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng Internet dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra thực hiện tra cứu thông tin hóa đơn điện tử theo hình thức nhắn tin.

Điều 47 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về hình thức khai thác, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử, như sau:

Hình thức khai thác, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử

  1. Bên sử dụng thông tin là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh là người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; các tổ chức, cá nhân là người mua hàng hóa, dịch vụ truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin hóa đơn điện tử theo các nội dung thông tin hóa đơn điện tử.
  2. Bên sử dụng thông tin là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đã ký quy chế trao đổi thông tin hoặc ký hợp đồng phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, kết nối, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử từ Tổng cục Thuế như sau:

a) Áp dụng chữ ký số có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện việc mã hóa đường truyền;

c) Đảm bảo an toàn thông tin theo quy định của pháp luật;

d) Tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật do Tổng cục Thuế công bố, gồm: Chỉ tiêu thông tin, định dạng dữ liệu, phương thức kết nối, tần suất trao đổi thông tin.

Bên sử dụng thông tin nêu tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm phân công đầu mối đăng ký sử dụng thông tin hóa đơn điện tử (sau đây gọi tắt là đầu mối đăng ký) và thông báo cho Tổng cục Thuế bằng văn bản.

Và Điều 48 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về công bố, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử như sau:

Công bố, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử

  1. Nội dung thông tin hóa đơn điện tử được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử là các nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 10 Nghị định này và tình trạng hóa đơn điện tử.
  2. Thông tin hóa đơn điện tử cung cấp dưới dạng văn bản điện tử và dữ liệu điện tử được ký bằng chữ ký số của Tổng cục Thuế hoặc dưới dạng tin nhắn do Tổng cục Thuế cung cấp cho bên sử dụng thông tin là cơ quan quản lý nhà nước thông qua số điện thoại được công bố chính thức tại văn bản gửi Tổng cục Thuế.
  3. Việc hiển thị thông tin hóa đơn điện tử trên hệ thống của doanh nghiệp phải theo thứ tự các nội dung hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

Theo hướng dẫn tại Công văn 9300/CTHN – TTHT năm 2023 về sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành như sau:

Cục thuế Hà Nội có ý kiến như sau:

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty có xuất hàng hóa bán lưu động đến khách hàng thì sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định, khi bán hàng lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Để tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu động trên thị trường Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP .

Như vậy, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử khi giao hàng phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu động trên thị trường thực hiện như sau:

– Bên sử dụng thông tin là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh là người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

– Các tổ chức, cá nhân là người mua hàng hóa, dịch vụ truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin hóa đơn điện tử.

– Nội dung thông tin hóa đơn điện tử được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử là các nội dung của hóa đơn điện tử và tình trạng hóa đơn điện tử.

– Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy.

– Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử.

– Trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tra cứu thông tin hóa đơn điện tử theo hình thức nhắn tin.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply