Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động là một trong những nội dung phổ biến tại DN. Vậy các vấn đề về thuế có liên quan đến chi phí đào tạo là gì? Mời các bạn tham khảo bài viết sau.

  1. Chi phí đào tạo là gì?

Các DN thường có chính sách khuyến khích nhân viên đi học để nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn để về phục vụ cho công ty.

Khi người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động thì các bên phải giao kết hợp đồng đào tạo, trong đó bao gồm nội dung về chi phí đào tạo.

Tuy nhiên, không phải mọi khoản chi trong quá trình đào tạo đều được xem là chi phí đào tạo, mà một khoản chi được xem xét là chi phí đào tạo nếu:

– Khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học.

– Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

  1. Chi phí đào tạo nhân viên có được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp?

Khoản 3 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định:

Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN.

Ngoài ra, Khoản 1 và Khoản 2.30 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC cũng có quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

  1. Doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

– Khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động bao gồm:

+ Chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị dùng để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học.

+ Chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp.

Như mọi khoản chi khác, chi phí đào tạo cũng phải đáp ứng các điều kiện để được tính chi phí được trừ theo quy định của pháp luật, cụ thể:

– Có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật, bao gồm hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo, hóa đơn chi phí đào tạo; bên cạnh đó, tùy tình huống thực tế mà có thể bao gồm thêm quyết định cử nhân viên đi học, bản cam kết khi học xong nhân viên sẽ làm việc tại doanh nghiệp, …

– Trường hợp hóa đơn chi phí đào tạo từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) thì khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý rằng, chi phí đào tạo nhân viên không phải là tài sản cố định vô hình mà sẽ được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

  1. Chi phí đào tạo có được khấu trừ thuế GTGT?

Theo nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào, chi phí đào tạo nhân viên được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (nếu có bao gồm thuế GTGT) cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Có hóa đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay thế cho bên nước ngoài (áp dụng với tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam).

– Hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá từ 20 triệu đồng trở lên cần có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới 20 triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

– Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần cùng ngày và có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

  1. Chi phí đào tạo có tính thuế TNCN không?

Căn cứ Tiết đ.6 Điểm đ Khoản 2 Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

  1. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ.6) Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động. […]

Theo đó, chi phí đào tạo nhân viên không tính vào thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply