Thông tư 40/2021/TT-BTC bổ sung thêm nhiều quy định mới thể hiện tính chặt chẽ về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, căn cứ phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 40 này, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm nhiều khoản thu nhập phải chịu thuế GTGT, thuế TNCN so với quy định trước đây tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

Cụ thể gồm:

  • Khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (thuế TNCN 0,5%).
  • Các hoạt động thuộc nhóm đối tượng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ với thuế suất 10% thì chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% và tỉ lệ doanh thu tính thuế giá trị gia tăng là 3%.
  • Khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho hộ khoán chịu thuế GTGT 1% và thuế TNCN 0,5%.
  • Dịch vụ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các dịch vụ khác thuộc nhóm đối tượng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ với thuế suất 10% thì chịu thuế thu nhập cá nhân 2% và tỉ lệ doanh thu tính thuế giá trị gia tăng là 5%…

Ngoài ra, Thông tư 40 cũng có thêm nhiều điểm mới như:

Bổ sung hai phương pháp tính thuế mới gồm:

  • Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.
  • Phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân

Bổ sung đối tượng có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân:

Nội dung này hướng dẫn toàn bộ các trường hợp tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, bao gồm các trường hợp đã có hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 92/2015 (cho thuê tài sản), ngoài ra Thông tư 40/2021 bổ sung thêm các đối tượng mới theo hướng dẫn tại Nghị định 126/2020 như:

  • Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân;
  • Tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền, các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác cho hộ khoán;
  • Tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) thực hiện chi trả thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số cho cá nhân theo thỏa thuận với nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài;
  • Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế,…

Điểm mới về phương pháp tính thuế với cá nhân cho thuê tài sản:

Nội dung này bổ sung hướng dẫn về việc xác định mức doanh thu 100 triệu làm căn cứ xác định đối tượng được miễn thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản theo nguyên tắc: “Cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.”

Hướng dẫn này được hiểu là cá nhân có phát sinh hợp đồng cho thuê tài sản mà bình quân tháng cho thuê từ 8,33 triệu đồng trở lên thì thuộc diện phải nộp thuế kể cả trường hợp không phát sinh đủ 12 tháng trong năm dương lịch.

Làm rõ khái niệm hộ kinh doanh:

Theo Điều 3 Chương I Thông tư 40/2021/TT-BTC, “hộ kinh doanh” được hiểu là những cơ sở sản xuất, kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên trong một hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Điều này cũng đã được quy định tại Điều 79 – Nghị định 01/2021/NĐ/CP có hiệu lực từ ngày 4/1/2021). Nếu hộ kinh doanh là các thành viên của một gia đình thì một thành viên sẽ được ủy quyền làm đại diện và trở thành chủ hộ kinh doanh.

Như vậy, khái niệm hộ kinh doanh tại Thông tư 40/2021/TT-BTC và nghị định 01/2021 so với khái niệm tại Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP đã có những sự khác biệt. Các điểm khác biệt bao gồm:

  • Hộ kinh doanh chỉ được thành lập bởi cá nhân hoặc các thành viên trong cùng một gia đình, loại bỏ trường hợp một nhóm người không có chung quan hệ trên sổ hộ khẩu thành lập hộ kinh doanh.
  • Không yêu cầu hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm.
  • Không yêu cầu hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới 10 (mười) lao động.

Các bạn có thể tham khảo dịch vụ của VinaTas – Đại lý Thuế theo đường link sau:

DỊCH VỤ KIỂM TOÁN THUẾ

Previous PostNext Post

Leave a Reply